web analytics

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, giá lợn hơi trên đà giảm 08/03/2019

(KDTT) – Bắt đầu phát hiện ổ dịch đầu tiên tại Hưng Yên ngày 1/2, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 9 tỉnh thành tại Việt Nam. Theo đà dịch lan rộng, giá lợn hơi vì thế cũng đã giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới những doanh nghiệp và hộ chăn nuôi, bởi giá lợn mới chỉ nhích lên trong vòng khoảng một năm trở lại đây.

Dịch tả lợn châu Phi là một loại dịch bệnh rất nguy hiểm do nguồn lây, cách thức lây bệnh rất đa dạng. Đặc biệt nó gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi do tỉ lệ chết ở lợn nhiễm bệnh lên tới 100% và chưa có thuốc phòng, chữa bệnh.

Hiện tại, đã có 9 tỉnh, thành phố được ghi nhận có dịch này đó là: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Nam và Hòa Bình.

Ngành chăn nuôi lợn tiếp tục “điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Trong cuộc họp bàn về biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc “chống dịch như chống giặc”, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch hiệu quả như cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam để hạn chế dịch lan rộng… Đồng thời Chính phủ cũng đã quyết định đồng ý mức hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái cho những hộ nuôi có lợn mắc phải dịch tả lợn châu Phi.

Thị trường lợn hơi đã nhanh chóng phản ứng với thông tin bệnh dịch lan rộng. Hiện tại giá lợn hơi tại miền Bắc đã bị kéo giảm mạnh so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Cụ thể, nhiều nơi giá chỉ còn từ 38-41.000 đồng/kg so với mức 48-50.000 đồng/kg như trước đây.

Giá giảm tuy nhiên người dân thậm chí còn khó bán lợn do tâm lý e ngại đến từ người tiêu dùng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã thông báo dịch này không lây nhiễm sang người mà chỉ lây nhiễm giữa lợn rừng, lợn nhà với nhau. Kể cả khi sử dụng sản phẩm nhiễm phải virut tả châu Phi thì con người cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì tính chất lây lan và hậu quả thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi nên 100% số lợn mắc bệnh đều phải tiêu hủy.

Nhiều hộ dân chăn nuôi tỏ ra lo ngại trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt sau Tết là thời điểm nhiều hộ bắt đầu vào lợn (mua con giống) để tái đàn sau đợt xuất bán trước Tết. Bởi vậy nếu không kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch tốt thì ngành chăn nuôi lợn sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Hiện tại, Việt Nam có trên 10.000 trang trại chăn nuôi lợn tập trung và 2,5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2018, sản lượng thịt lợn hơn ước đạt trên 3,8 triệu tấn.

Đức Minh
Theo KDPT