web analytics

Đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 14/03/2022

(KDTT) – Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 đã đề ra.

Kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2022. Nghị quyết nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng danh mục nhiệm vụ, dự án, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, vốn đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao, không để nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực.

Phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; xác định việc đẩy mạnh giải ngân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; phấn đấu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công và giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong tháng 3 năm 2022.

Tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động theo dõi sát tình hình chính trị – kinh tế thế giới, khu vực, nhất là tác động của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, tốc độ phục hồi kinh tế và việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế chủ chốt và các đối tác thương mại lớn, cạnh tranh chiến lược ở khu vực và vấn đề mới nổi lên trong nước để có biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, hiệu quả, trong đó lưu ý những tác động về quan hệ kinh tế, thương mại song phương, giá hàng hóa (nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, các hàng hóa cơ bản, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…), an ninh năng lượng, lương thực, chuỗi cung ứng toàn cầu, các dự án đầu tư liên quan, hoạt động thanh toán quốc tế, sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, thương mại, đầu tư, tình hình người lao động, học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 02 năm 2022 – 2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022.

Xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022 – 2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022.

Ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn đánh giá, quy trình thẩm định, quyết định chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của bộ, cơ quan đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 bảo đảm phù hợp các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ, hoàn thành trong tháng 3 năm 2022.

Khẩn trương tham mưu ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm cơ quan chủ quản các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư (cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) tại các thị trường tiềm năng; rà soát, điều chỉnh các chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với thực tiễn tình hình nhằm giữ dòng vốn và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Khẩn trương hoàn thành thẩm định các dự án giao thông quan trọng quốc gia, các dự án cao tốc để bảo đảm tiến độ báo cáo Quốc hội theo quy định.

Theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các chính sách, giải pháp (nếu cần thiết); hằng quý báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chương trình tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và báo cáo đột xuất khi có vấn đề phát sinh hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, đồng bộ, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, công tác điều hành giá những mặt hàng nhà nước quản lý giá và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục xử lý, khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước nói chung cũng như nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán.

Khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022.

Bạn đang đọc bài Đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT