(KDTT) – Năm 2022, UBND TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh và quy hoạch một cách đồng bộ các đề án dọc theo sông Sài Gòn (tổng chiều dài 80km) và đây được xem là tài sản quý giá về đô thị ven sông ở TP.HCM. Theo đó, loạt dự án hạ tầng nối đuôi nhau làm bàn đạp nâng tầm giá trị bất động sản khu vực này.
Trước thực tế không gian trung tâm đã quá tải, hầu hết các quỹ đất đều được xây dựng, nén chặt nhà cao tầng, quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn trở thành nguồn tài nguyên thích hợp để làm dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian làm cảnh quan đẹp, kết nối khu vực trung tâm và lân cận.
Với đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2045” được UBND TP.HCM phê duyệt, tuyến đường này không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà sẽ hình thành động lực rất lớn tạo đột phá cho nền kinh tế TP.HCM: Có đường, quỹ đất sẽ được khai thác, chuyển đổi mục đích tạo ra những dự án đô thị, dân cư. Đô thị ven sông này sẽ tạo nên đột phá cho nền kinh tế TP.HCM theo định hướng phát triển du lịch.
Theo đề án, tuyến đô thị ven sông sẽ kéo dài từ nội đô TP.HCM đến huyện Củ Chi. Thông tin từ sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho biết, sông Sài Gòn khúc chảy qua TP.HCM có thể phân chia thành 03 đoạn, với 50 quy hoạch phân khu (hiện tất cả đã phủ kín).
Kế hoạch đã được khởi động từ năm 2016 quy hoạch tiểu cảng quận 4 đoạn dọc theo đường Nguyễn Tất Thành sẽ sớm được nâng cấp, chỉnh trang, trở thành công viên cảnh quan. Trước đó, Bến Bạch Đằng cũng đã hoàn thành và đi vào hoạt động vừa có chức năng cầu cảng, vừa là công viên cây xanh kết hợp bến tàu, là nơi giải trí, thư giãn ngắm cảnh, du lịch.
Được biết, tuyến đường dọc ven sông Sài Gòn sẽ hình thành nhiều khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư, khu công cộng và giúp phát triển du dịch tại TP.HCM.
Bất động sản quận 7 hưởng lợi nhờ quy hoạc cầu Bến Nghé
Ngày 28/04/2022, công trình cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2) nối quận 1 và Thủ Thiêm chính thức hợp long. Trước đó, sức nóng giá đất Thủ Thiêm khiến những dự án tại các khu vực liền kế kết nối trực tiếp với bán đảo Thủ Thiêm được săn đón nhiều nhất tại TP.HCM.
Cũng theo đề án, đoạn 3 là từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn tại khu vực mũi Đèn Đỏ, quận 7 ở bờ phía tây và một phần TP. Thủ Đức (bờ phía Đông), chiều dài khoảng 6km. Hiện đoạn này đã phủ kín quy hoạch phân khu với 12 đồ án (07 đồ án bờ Tây và 05 đồ án bờ Đông). Dự án cầu Bến Nghé (cầu Thủ Thiêm 4) là một trong số đó.
Ngay sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động cầu Ba Son, cầu Bến Nghé cũng được đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng và sớm triển khai giai đoạn 2022 -2023.
Công trình cầu Bến Nghé bắt đầu từ giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh quận 7, cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, nối với Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4, với tổng kinh phí xây dựng 5.300 tỷ đồng. Khi cầu hợp long, thời gian di chuyển từ quận 7 qua quận 2 được rút ngắn chỉ còn 3-5 phút.
Không gian ven bờ sông đoạn 3 hiện tại phần lớn là đất trống, cây xanh tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng thành công viên cây xanh theo quy hoạch. Công trình kiến trúc dọc bờ sông chủ yếu là dạng nhà ở thấp tầng. Định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông sẽ là khu dân cư, khu công viên văn hóa giải trí.
Với công trình cầu Bến Nghé, dự báo giá BĐS tại các khu vực tiệm cận Thủ Thiêm hơn tại phường Tân Thuận Đông, quận 7 như đường Bến Nghé, Huỳnh Tấn Phát sẽ tăng trưởng, sớm tịnh tiến về giá BĐS khu vực Thủ Thiêm. Hiện giá BĐS căn hộ tại khu vực Thủ Thiêm đang ở mức 150 – 200 triệu/m2, giá BĐS tại quận 7 đang dao động ở mức 45-90 triệu/m2.
Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị vùng ven TP Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản khu vực nào nào đang được hưởng lợi nhiều nhất? tại chuyên mục Bất động sản.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com
Theo KDPT