Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng. Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.

Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm: Ngân sách nhà nước; Nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước; Nguồn vốn vay; Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Một số chính sách pháp lý về công tác đấu thầu

Ngày 21/06/2019 Văn phòng Chính phủ ra công văn số 5464/VPCP-CN về tình hình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2018 và lộ trình giai đoạn 2019 – 2025. Công văn nêu ý kiến chi đạo như sau: “Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai đấu thầu qua mạng theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sat chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 (một) nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”.

Theo khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020 – sau đây gọi là Luật Đấu thầu), đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Theo Điều 33 Luật Đấu thầu về nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu. Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.

Khoản 16, khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định:

Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung. Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về giá gói thầu như sau:

– Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với sự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tình đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

– Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư.

Căn cứ lập và xác định giá gói thầu được quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cụ thể:

Khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:

– Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 03 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá;

– Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loạt tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm);

– Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;

– Giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet;

– Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.

Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.

Góc nhìn thực tiễn

Để minh chứng thực tiễn cho Chuyên đề nghiên cứu, PV Tòa soạn Tạp chí Kinh doanh và Phát triển đã khảo sát tại một số địa phương, tìm hiểu công tác đấu thầu ở nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động kinh doanh, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Qua đó, đã nhận được những ý kiến phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều bất cập, chưa minh bạch trong công tác đấu thầu.

Theo hồ sơ nghiên cứu về một số gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Phòng GD&ĐT) huyện Sóc Sơn – TP. Hà Nội làm chủ đầu tư thời gian vừa qua, các gói thầu này có dấu hiệu “loạn giá, thổi giá, đội giá, tiết kiệm thấp” khi sản phẩm có giá duyệt mua cao gấp 2, gấp 3 lần giá đơn vị khác chào bán trên thị trường.

Quyết định số 270/QĐ-GD&ĐT của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần VinaLong và Công ty cổ phần thương mại và phát triển Bình An (Công ty Bình An).

Lọan giá thiết bị: Cụ thể, Ngày 30/12/2021, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn, bà Trần Thị Thanh Huế ký Quyết định số 270/QĐ-GD&ĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần VinaLong và Công ty cổ phần thương mại và phát triển Bình An (Công ty Bình An). Giá trúng thầu là 17.239.580.000 VNĐ. Gói thầu hơn 17 tỷ đồng tiết kiệm được cho ngân sách khoảng 190 triệu đồng.

Theo đó, bộ thước thực hành đo khoảng cách, đo chiều cao ngoài trời có xuất xứ Việt Nam, có thông số kỹ thuật yêu cầu như nhau nhưng tại gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư lại cao gần gấp đôi giá do VinaLong mua sắm tại Trường THCS Đông Xuân (Quốc Oai). Giá của thiết bị này được liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 2.020.000 VNĐ, còn tại gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư chỉ có giá 1.233.000 VNĐ, chênh lệch khá lớn.

Yêu cầu kỹ thuật với hàng hóa là bộ đo kích thước, chiều cao và giá trúng thầu của liên danh VinaLong – Bình An đối với thiết bị ngày là 2.020.000 VNĐ

Yêu cầu trong E-HSMT gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư đối với Bộ đo kích thước, chiều cao. Tất cả các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị này trong Gói thầu tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn đều có trong yêu cầu ký thuật tại chương V (E-HSMT) của gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư nhưng giá thiết bị lại rất khác. Cả 2 gói thầu đều có sự tham gia của nhà thầu VinaLong.

Một hàng hóa khác, kèn phím có xuất xứ Indonesia, thông số kỹ thuật được yêu cầu tương tự nhau ở 2 gói thầu nhưng giá lại hoàn toàn khác nhau. Gói thầu số 03 mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 tại Trường THCS Đông Xuân, hình thức đấu thầu là chào hàng cạnh tranh, Công ty VinaLong trúng thầu với giá chào hàng thiết bị này là 1.085.000 VNĐ. Nhưng tại gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư, liên danh VinaLong – Bình An lại mua với giá gần 1,5 triệu đồng.

Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên có xuất xứ Việt Nam, thông số kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu (E-HSMT) giống nhau: bộ học liệu điện tử được xây dựng theo chương trình môn học Lịch sử và Địa lý (CT 2018), có hệ thống học liệu điện tử (hình ảnh, bản đồ, sơ đồ, lược đồ, âm thanh, video, các câu hỏi, đề kiểm tra,…) đi kèm và được tổ chức, quản lý thành hệ thống thư viện điện tử, thuận lợi cho tra cứu và sử dụng. Bộ học liệu sử dụng được trên máy tính trong môi trường không kết nối internet. Phải đảm bảo tối thiểu các chức năng: chức năng hỗ trợ soạn giáo án điện tử; chức năng hướng dẫn chuẩn bị bài giảng điện tử; chức năng hướng dẫn và chuẩn bị và sử dụng học liệu điện tử (hình ảnh, bản đồ, sơ đồ, lược đồ, âm thanh, hình ảnh,…); chức năng hướng dẫn và chuẩn bị các bài tập; chức năng hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá. Vậy nhưng, trong gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư, liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 11.370.000 VNĐ. Còn tại gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư, Công ty VinaLong trúng thầu, thiết bị này được mua với giá chỉ 4.119.000 VNĐ. Như vậy, một bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên chênh lệnh nhau hơn 7 triệu đồng ở hai gói thầu.

Yêu cầu kỹ thuật trong E-HSMT là giống nhau nhưng giá mua sắm lại chênh lệch nhau quá lớn, nguy co thất thoát nhân sách Nhà nước.

Bếp điện trong gói thầu mua sắm ở Sóc Sơn và trong gói thầu số 03: mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 tại Trường THCS Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai cũng có yêu cầu về kỹ thuật giống nhau được nêu trong chương V của E-HSMT. Nhưng giá của loại thiết bị này trong 2 gói thầu trên lại chênh lệch nhau 2 lần, mặc dù cùng xuất xứ. Cụ thể, gói thầu do trường THCS Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) làm chủ đầu tư, thiết bị này có giá trúng thầu là 775.000 VNĐ. Để trúng gói thầu tại huyện Sóc Sơn, liên danh VinaLong – Bình An đã đề xuất và mua với giá hơn 1,6 triệu đồng. Thiết bị được mua với giá cao hơn gấp đôi cũng chỉ để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như nhau?

Cùng yêu cầu kỹ thuật, cùng xuất xứ nhưng giá mua sắm bếp điện lại khác xa nhau. Gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư mua sắm 54 bếp điện với giá gấp đôi so với gói thầu khác có cùng đơn vị trúng thầu.

Không những loạn giá mà gói thầu: mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư còn có dấu hiệu bị “thổi giá”.

Yêu cầu chung cũng như đặc tính kỹ thuật riêng của từng thiết bị trong gói thầu trên giống với nhiều gói thầu mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học khác nhưng giá mua sắm của liên danh VinaLong – Bình An lại cao hơn rất nhiều. Một số thiết bị có giá trúng thầu cao hơn giá thị trường, mặc dù cùng thông số kỹ thuật cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Gói thầu mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tại Sóc Sơn yêu cầu mua sắm 27 bộ bàn, lưới bóng bàn với thông số kỹ thuật yêu cầu như sau: mặt bàn bóng bàn được làm từ gỗ MDF chất lượng cao dày 18 ly, cực phẳng, mịn cho độ nảy cực chuẩn, ổn định và được sơn chống lóa. Khung bàn, chân bàn được làm bằng sắt 40 x 40; 20 x 20 mm dày 1.2 mm. Kích thước đóng thùng: 1600 x 1470 x 120 mm (dài x rộng x dày). Diện tích lắp đặt sản phẩm: 2740 x 1525 x 760 mm (dài x rộng x cao) theo tiêu chuẩn thi đấu của liên đoàn bóng bàn thế giới. Cọc bóng bàn 02 chiếc, lưới bóng bàn 01 chiếc; kiểu dáng thể thao khoẻ khoắn, sơn bóng chống gỉ, có lưới đi kèm. Liên danh VinaLong – Bình An mua loại hàng hóa này với giá 9.731.000 VNĐ.

Yêu cầu kỹ thuật trong chương V của E-HSMT đối với hàng hóa là bàn, lưới bóng bàn.

Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện nay sản phẩm bàn và lưới bóng bàn có thông số kỹ thuật như trên chỉ có giá hơn 5 triệu đồng. Sản phẩm bàn bóng bàn kèm lưới và bóng thương hiệu VinaSport, xuất xứ Việt Nam có thông số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của E-HSMT gói thầu trên có giá trên thị trường dưới 6 triệu đồng. Như vậy, với 27 bộ thiết bị được mua, số tiền bị nâng khống có thể lên đến hàng trăm triệu đồng (nếu có).

Thông số kỹ thuật giống như yêu cầu của E-HSMT nhưng sản phẩm ngoài thị trường có giá chỉ hơn một nửa giá mua sắm của Liên danh VinaLong – Bình An.

Nhiệt kế điện tử số lượng 45 cái được liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 1.781.000 VNĐ, có xuất xứ Trung Quốc.

Tìm hiểu giá thiết bị này trên thị trường với thông số kỹ thuật trùng khớp với yêu cầu của E-HSMT thì được biết, sản phẩm có giá khoảng 1,2 triệu đồng.

Sản phẩm nhiệt kế điện tử với thông số giống như yêu cầu của E-HSMT có giá trị trên thị trường chỉ bằng 2/3 giá mà Liên danh VinaLong-Bình An mua sắm.

Trụ và lưới đá cầu được liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 2.755.000 VNĐ, số lượng 54 bộ, xuất xứ Việt Nam. Đối với mặt hàng hóa này, yêu cầu về mặt kỹ thuật là: mẫu và kích thước theo tiêu chuẩn của Tổng cục Thể dục thể thao.

Cũng là loại hàng hóa này nhưng tại gói thầu số 2: mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 Trường tiểu học Nghĩa Hương thuộc dự toán mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 các trường công lập trên địa bàn huyện Quốc Oai, Công ty cổ phần thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành mua với giá chỉ 1.750.000 VNĐ. Tiêu chuẩn hàng hóa cũng theo mẫu và kích thước tiêu chuẩn của Tổng cục Thể dục thể thao.

Đại diện Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về cơ sở xác định giá gói thầu. Trong đó phải đảm bảo tiêu chí “tính đúng, tính đủ”. Trường hợp giá mua sắm được duyệt cao hơn thị trường dẫn đến tổng mức gói thầu bị đội lên với con số chênh lệch hàng trăm triệu đồng thì cần thiết phải xem xét lại hồ sơ xây dựng giá gói thầu, nhất là cơ sở để xác định giá. Ngoài ra, một vấn đề khác cần làm rõ là “cơ sở nào để đưa các tiêu chí về cung cấp hàng mẫu và giấy phép bán hàng vào hồ sơ mời thầu?” đối với những loại hàng hóa thông thường, thông dụng có sẵn trên thị trường, và có hay không việc áp đặt các tiêu chí này để nhằm mục đích “cài thầu”? Điều này, có lẽ cần phải tổ chức thanh tra và kiểm tra toàn bộ quá trình từ xây dựng giá gói thầu đến thẩm định giá, thương thảo và lựa chọn nhà thầu … thì mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục được.

Trên đây là một số phản ánh về việc có dấu hiệu “thổi giá”, “loạn giá” trong Gói thầu: mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư. Kính đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn tiếp nhận thông tin phản ánh, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.