(KDTT) – Với đề tài khoa học “Nâng cao nhận thức cho học sinh về giá trị di sản công viên địa chất Đăk Nông”, em Trần Cẩm Ly và Trần Thị Thương (học sinh lớp 11, trường THPT Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã giành giải Nhì cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2018-2019.
Trước đó, Cẩm Ly và bạn cùng lớp Trần Thị Thương đã đạt được nhiều giải thưởng liên quan đến đề tài này.
Từ chuyến đi thực tế trong hang động…
Năm 2018, Trần Cẩm Ly là một trong số ít người cùng đoàn chuyên gia nước ngoài tham gia khảo sát, nghiên cứu hang động núi lửa Krông Nô (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Trong chuyến đi, cô học trò trường huyện cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất. Tự mang hành lý, tự chăm sóc bản thân, thế nhưng đối với Ly, chuyến đi thực tế ấy đã giúp em có cái nhìn đầy đủ hơn về di sản thiên nhiên của địa phương.
Kể về hành trình thực tế bên trong hang động núi lửa, Cẩm Ly cho biết: “Tham gia đoàn khảo sát hôm ấy có Tiến sĩ Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO, bác Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Em cùng mọi người đi bộ từ bên ngoài vào tận bên trong hang động, men theo con đường mòn mà người dân tự mở trước đó. Đây là lần đầu tiên em được đặt chân đến đó. Quả thật là rất kỳ vĩ và choáng ngợp”.
Cũng chính thời điểm đó, Ly được nghe các thành viên trong đoàn đưa ra những đánh giá những tác động làm ảnh hưởng tới hệ thống hang động núi lửa này. “Đá từ dung nhan núi lửa phân bố rất nhiều trên địa bàn huyện. Thế nhưng, mọi người không biết những hòn đá ấy đã được hình thành từ cả triệu năm trước nên vô tư lấy về để làm hàng rào, làm móng nhà. Ngoài ra, nhiều diện tích rừng xung quanh hang động bị chặt phá để lấy đất sản xuất, việc này đã xâm hại đến trạng thái của khu vực này. Chính điều đó đã thôi thúc em phải hành động để bảo vệ những giá trị của hệ thống hang động núi lửa”.
Đem ý tưởng của mình trình bày với cô giáo bộ môn Địa lý Hà Thị Hồng, Ly nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của cô giáo. Tháng 6/2018, Ly cùng Thương bắt tay vào thực hiện đề tài với sự hướng dẫn của cô Hồng.
“Thực sự, chính chuyến đi thực tế với đoàn chuyên gia đã giúp em rất nhiều trong việc thực hiện đề tài này. Thực trạng hiện nay, một số người đang khai thác tùy tiện tài nguyên đất, đá. Các hành vi làm tổn hại đến môi sinh, môi trường, cảnh quan trong công viên đang diễn ra tràn lan, ẩn chứa nhiều nguy hại. Chính vì thế, bảo vệ và khai thác bền vững những giá tri di sản của CVĐC Đắk Nông, đã thôi thúc chúng em phải thực hiện bằng được đề tài này”, Cẩm Ly cho biết thêm.
“Mặc dù Đắk Nông là địa phương có hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, nhưng nhiều người lại ít biết, thậm chí không biết về phạm vi cũng như những giá trị di sản của công viên địa chất Đắk Nông và làm tổn hại đến nó. Chính điều đó đã thôi thúc em làm một điều gì đó để góp phần bảo vệ, khai thác bền vững những giá trị di sản này…” – chia sẻ của em Trần Cẩm Ly.
…Đến những món quà bằng đá
Thực hiện một cuộc khảo sát nhanh và ghi nhận từ thực tế, cả cô và trò đều nhận thấy rằng, nhận thức của học sinh về CVĐC Đắk Nông rất hạn chế, điều này xuất phát từ việc tuyên truyền kém hiệu quả. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến cho một số người dân vô tư khai thác, xâm hại đến các giá trị di sản, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoàn thiện các tiêu chí nhằm đưa CVĐC trở thành CVĐC toàn cầu.
“Từ trước đến nay, chúng ta chỉ mới tuyên truyền bằng miệng, phát tờ rơi, dán pano để tuyên truyền về CVĐC. Thế nhưng việc làm ấy chỉ có tác dụng tức thời, một thời gian sau mọi người sẽ quên hết. Từ đó, các em đã lựa chọn và vận dụng những giải pháp nhằm đưa học sinh từ thế bị động “Nghe – nhìn” sang thế chủ động “Làm” để khám phá những giá trị di sản. Đồng thời, nhóm cũng tạo ra những sản phẩm từ đá núi lửa, thổ cẩm phục vụ tuyên truyền”, cô Hồng giải thích thêm.
Tuy nhiên, để có được thành tích là giải Nhì cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2018-2019 và vô số giải thưởng khác, cả cô và trò không ít lần định buông xuôi.
“Thực tế là vậy, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì rất khó, đặc biệt là không có đủ trang thiết bị để chế tác sản phẩm từ đá như máy đục, đẽo, cắt gọt, mài dũa… Chính vì thế, sản phẩm đầu tiên là con voi từ đá núi lửa, chúng em phải đi rất nhiều cơ sở làm đá mĩ nghệ để thuê người ta làm. Nếu sau này đề tài được ứng dụng thực tế thì phải có một đội ngũ thợ và máy móc chuyên nghiệp”, Trần Thị Thương chia sẻ.
Sau gần 4 tháng thực hiện, sản phẩm đầu tiên được tạo ra đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Từ những hòn đá vô tri, nằm rải rác trên cánh đồng…, nhóm đã chế tác thành những sản phẩm mang tính đặc trưng của Đắk Nông, khiến mọi người rất bất ngờ và thích thú. Trong đó, đá nhỏ được dùng để ghép tranh, làm mô hình núi lửa phun trào; đá lớn được đục đẽo thành các linh vật trong đời sống văn hóa dân gian.
Đặc biệt, nhận thức của học sinh trong trường về CVĐC cũng thay đổi đáng kể, từ chỉ 21% học sinh biết được giá trị di sản CVĐC Đắk Nông (trước tác động) lên 88% (sau tác động).
Chia sẻ về dự định sắp tới, Ly và Thương cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu về những giá trị của CVĐC và cập nhật những phát hiện mới nhất. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm từ đá núi lửa để kêu gọi đầu tư, đưa đề tài vào triển khai rộng rãi trong thực tế.
Đánh giá về những thành tích là học trò đạt được, cô Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô cho biết, đó là niềm vui, niềm tự hào của nhà trường.
“Việc các em đạt được thành tích trên chứng tỏ nhà trường đã “đầu tư” đúng đắn cho nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, nhà trường cũng hy vọng, đề tài khoa học của các em sẽ gặt hái được thành công hơn nữa và hỗ trợ tích cực vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công viên địa chất núi lửa Krông Nô”, cô Chung cho hay.
Theo Dân trí