web analytics

Đà Nẵng bỏ thi Ngoại ngữ vì nghi vấn gian lận cấp chứng chỉ quốc tế 19/05/2019

(KDTT) – Trong hơn 2.300 học sinh Đà Nẵng có chứng chỉ quốc tế thì 40% học lực môn Ngoại ngữ chỉ trung bình và khá, gần 30 em học yếu.

Mới đây, giải thích về việc bỏ môn Ngoại ngữ trong kỳ thi vào lớp 10, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, cho biết qua thống kê rất nhiều học sinh học lực yếu, trung bình môn tiếng Anh, nhưng lại có chứng chỉ quốc tế. “Nếu biết vậy mà vẫn áp dụng chủ trương miễn thi Ngoại ngữ, quy đổi thành điểm 9-10 thì không công bằng cho học sinh, dễ dẫn đến khiếu kiện sau này, có thể phải hủy kết quả để tổ chức lại kỳ thi”, ông Linh nói.

Ông Mai Tấn Linh – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng áp dụng chủ trương cho phép học sinh lớp 9 có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn Ngoại ngữ và được quy đổi thành điểm 9-10 cho kỳ thi vào lớp 10. Nhiều em tìm đến trung tâm ngoại ngữ theo học và thi được chứng chỉ. Từ phản ánh của nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh rằng việc thi chứng chỉ quá dễ dàng, không đúng thực lực học sinh…, Sở đã triệu tập nhiều cuộc họp, tổng hợp số liệu để xác minh.

Ngày 9/5, các trường mới có kết quả bảng điểm của học sinh sau năm học, nộp về Sở. Sở so sánh số liệu, thấy trong hơn 2.300 em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì 40% học lực môn ngoại ngữ lớp 9 là trung bình và khá; gần 30 em học yếu. Các trường top trên lại ít học sinh có chứng chỉ quốc tế hơn trường xếp cuối bảng, ông Linh cho biết.

Đơn cử trường THCS Lê Anh Xuân xếp cuối bảng ở quận Liên Chiểu năm nay có 108 học sinh thi vào lớp 10, nhưng 75 em đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (chiếm hơn 69%). THCS Lý Thường Kiệt và THCS Nguyễn Khuyến mỗi trường có 5 học sinh yếu tiếng Anh, nhưng có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…

Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng sau đó yêu cầu trung tâm cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế báo cáo việc tổ chức thi. Chi nhánh một công ty tại Đà Nẵng đã cấp hơn 2.030 chứng chỉ cho học sinh từ ngày 3/3 đến 27/4. Các đợt thi tại trung tâm bình thường chỉ vài chục học sinh, nhưng ngày 7/4 nơi này tổ chức thi tại trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến cho hơn 1.120 em.

Do công ty này không thuộc quyền quản lý nên Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng không giám sát được. Tuy nhiên, riêng việc tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế tại trường Nguyễn Khuyến đã cho thấy không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phòng thi không có thiết bị nghe nhìn, không có camera giám sát.

Trực tiếp thu thập chứng cứ và làm việc với Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, cô giáo tiếng Anh (xin giấu tên) ở một trường THCS quận Sơn Trà cho biết rất nhiều học sinh học lực yếu và trung bình môn Ngoại ngữ, nhưng lên lớp không chịu học bài. Tìm hiểu, cô phát hiện những em này đã có chứng chỉ quốc tế. “Tôi dọa nếu không nói thật sẽ không cho cơ hội gỡ điểm để đủ tốt nghiệp, lúc đó các em mới chịu nói rất dễ dàng lấy được chứng chỉ”, cô giáo kể.

Trong bản tường trình, nhiều học sinh cho biết đã tham gia trung tâm ngoại ngữ ở quận Hải Châu, nộp 2 triệu đồng cho khóa học kéo dài ba ngày. Lệ phí thi từ 825.000 đến 900.000 đồng. Trước khi làm bài, học sinh được chỉ dẫn mẹo chỉ tô hai đáp án A và C. Kết quả các em đăng ký thi đều có chứng chỉ.

“Chủ trương của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng khi cho các em hoán đổi điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ra điểm là rất tốt, giúp giảm tải cho kỳ thi. Nhưng đáng tiếc là trung tâm ngoại ngữ không được quản lý, giám sát dẫn đến những chứng chỉ quốc tế được cấp quá dễ dãi”, cô giáo nói thêm.

Bảng đối chiếu điểm tổng kết (cột ngoài cùng bên phải) và điểm thi chứng chỉ của một trường THCS ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Năm học 2019-2020, Đà Nẵng có hơn 13.000 hồ sơ thí sinh THCS đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường THPT công lập, trong khi chỉ tiêu là 9.440. Theo quy định ban đầu, học sinh sẽ được xét tuyển kết hợp với thi tuyển 3 môn Toán, Ngữ văn (hệ số 2), Tiếng Anh (hệ số 1).

Hai tuần trước kỳ thi (ngày 15/5), Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có văn bản đồng ý đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10, trong đó không thi hoặc xét tuyển môn Ngoại ngữ.

Theo VnExpress