web analytics

Đã đến lúc có một chuẩn mực giá trị người Hà Nội hiện đại? 29/09/2020

(KDTT) – Ngày 28-9, TP Hà Nội và Tạp chí Cộng sản đã tổ chức hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “TP sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đổi mới, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa, chiến lược phát triển thành phố sáng tạo và nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.

Cảnh quan đô thị phản ánh tầm vóc văn hóa

Hội thảo cũng là dịp để TP Hà Nội nhìn nhận sâu sắc, đầy đủ hơn nữa, đồng thời đánh giá, làm rõ vai trò trung tâm của Thủ đô là hạt nhân, tiên phong, đầu tàu dẫn dắt trên nhiều lĩnh vực, nhất là trung tâm văn hóa tiêu biểu của quốc gia – dân tộc. Đồng thời, truyền thông rộng rãi về việc Hà Nội tích cực đẩy mạnh phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn lực văn hóa và thương hiệu sáng tạo trong chiến lược phát triển Thủ đô.

Theo GS, TS. Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, với việc “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường” đã dẫn đến những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội của nước ta, trong đó có Hà Nội.

Đề cập đến hai lĩnh vực là văn hóa sống của con người và văn hóa cảnh quan của Thủ đô, GS, TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, vì qua những cuộc chiến tranh, sự phân bổ việc làm mà cư dân Hà Nội bị xáo trộn, di chuyển nhiều, phần vì sự phát triển của Thủ đô – trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, quá trình mở rộng địa giới của Hà Nội, do quá trình dịch chuyển dân cư đến từ các địa phương khác mà dân cư TP tăng lên nhanh chóng. Vì thế, người Hà Nội gốc, chỉ còn tỷ lệ rất nhỏ trong số cả chục triệu người đang sinh sống ở Hà Nội.

Hà Nội lại là cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng nhất cả nước nên người Hà Nội cũng bị ảnh hưởng và đã tiếp thu ít nhiều giá trị văn hóa nước ngoài. Những người sinh sống ở Hà Nội hiện nay bao gồm hầu hết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, do vậy người Hà Nội đang nói hầu hết các phương ngữ của cả nước,…

Phải chăng đã đến lúc Hà Nội phải có một chuẩn mực giá trị người Hà Nội hiện đại, có tiếp thu giá trị truyền thống gắn với những giá trị tiêu biểu của dân tộc, chọn lọc tinh hoa tinh khiết nhất của nhân loại theo tinh thần hội nhập.

Để hiện thực hóa chuẩn mực giá trị con người Thủ đô hiện đại, cần phải có chiến lược bài bản, kế hoạch thích hợp, có thể chế nghiêm túc, cần phải có sự kết hợp nhiều phương pháp, cách thức, nhiều con đường, từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau, trong đó giáo dục kết hợp với cưỡng ép, tự giác với kỷ luật, thưởng với phạt nghiêm minh.

Thứ hai, cảnh quan đô thị có vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết hành vi sống của người dân và khách quốc tế. Nhìn vào cảnh quan đô thị người ta nhận biết được tầm vóc văn hóa, lịch sử của TP, sự hiện đại, chất văn minh của cư dân TP. Từ đó người ta không chỉ thu nhận được những tri thức nhất định, mà còn xác định cho mình thái độ, hành vi ứng xử tương ứng. Bởi thế, cảnh quan đô thị là yếu tố hàm chứa hàm lượng văn hóa cao.

Quy hoạch phát triển Hà Nội hầu như chưa được tính toán cẩn thận nên hay bị điều chỉnh, thay đổi, không ổn định, thiếu sự kết nối hạ tầng, không đồng bộ với các yếu tố văn hóa, xã hội, dịch vụ. Một ví dụ là, từ khi chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã có ý tưởng xây Khải hoàn môn, một công trình mang tính biểu tượng cho những chiến công của Hà Nội và của dân tộc song đến nay vẫn không có vị trí đất và không gian hợp lý quy hoạch cho công trình này.

Hà Nội còn khá ít các công trình văn hóa như tượng đài, nhất là các tượng đài, công trình điêu khắc về các danh nhân của Hà Nội và cả nước. Một số tượng đài chưa xứng tầm về nghệ thuật, chất liệu, vị trí bị khuất lấp hoặc không được bảo quản, chưa phát huy được giá trị văn hóa.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: X.Thanh)

Hà Nội có nhiều cơ hội cho việc xuất khẩu văn hóa

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội cho biết, trong chiến lược phát triển Thủ đô phải chú trọng đến vai trò phát triển của văn hóa đối với xã hội.

Chỉ có cách làm này mới giải quyết được vấn đề nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” hiện nay như thế nào. Từ đó, dẫn đến các mục tiêu là đẩy mạnh hơn nữa vai trò của văn hóa đối với quần chúng lao động và sự phát triển của xã hội.

Một trong những nội hàm của văn hóa Hà Nội là phát huy và giữ gìn bản sắc của văn hóa Tràng An. Ngoài ra, phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của mỗi người trong xã hội về đức tính văn minh lịch sự của người Hà Nội, ứng xử văn minh với nhau trong từng khu phố. Tính văn minh, lịch sự phải thực sự đi vào cuộc sống bình thường của mỗi người. Để làm được điều này thì công tác tuyên truyền phải được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục.

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An, để xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” thì trước hết phải xây dựng con người văn hóa từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Xây dựng ý thức cho trẻ em từ trong gia đình.

Chẳng hạn như về ý thức khi tham gia giao thông thì bố mẹ phải là người đầu tiên dạy con em mình, rồi sau đó mới đến thầy cô và lực lượng cảnh sát giao thông. Ngoài ra, văn nghệ sĩ thủ đô phải là những người tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, phải có những tác phẩm phù hợp với xu thế thời đại, phản ánh đúng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Điều hành Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo phân tích, Hà Nội cần phải có những sự kiện tầm cỡ đối với ngành thiết kế, ví dụ như các hội nghị, triển lãm chuyên ngành, những cuộc liên hoan, giải thưởng quốc tế, hoặc những công trình công cộng trở thành biểu tượng thiết kế danh tiếng.

Chính quyền TP cần tạo điều kiện ưu tiên phát triển các hoạt động khích lệ ngành thiết kế, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân. Chẳng hạn như các cuộc thi thiết kế cảnh quan, tiện ích công cộng, hoặc trưng bày, giới thiệu các tác phẩm thiết kế…

Cùng với đó, Hà Nội cần có một chiến lược truyền thông quảng bá định vị thương hiệu TP sáng tạo của mình, hướng đến người dân Hà Nội và các cộng đồng bên ngoài Hà Nội. Quảng cáo và truyền thông là một phần của quá trình xây dựng thương hiệu TP, chia sẻ các khía cạnh độc đáo và mục tiêu chiến lược của TP. Các chiến lược quảng cáo có tác động đáng để đến việc giới thiệu TP và các lợi thế cạnh tranh.

Ông Lê Quốc Minh phân tích thêm, Hà Nội có lợi thế là nơi hội tụ tài năng, tâm huyết, trí tuệ của các loại hình nghệ thuật. Trước sự hội nhập mạnh mẽ của đất nước, mà Thủ đô luôn ở vị trí trung tâm thì chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chung: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh…” là việc làm cần thiết và cần có sự chung sức của các cấp, các ngành.

Một số nghiên cứu đã được thực hiện về bản sắc dân tộc đối với bản sắc của các TP. Vì vậy, hoạch dịnh chính sách đối ngoại, giao tiếp và tương tác của Chính phủ với thế giới có thể được coi là yếu tốt hấp dẫn khác trong việc hiện thực hóa hình ảnh TP. Một hình ảnh TP phù hợp đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra thương hiệu TP thành công.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đổi mới, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa, chiến lược phát triển TP sáng tạo và nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “TP sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

Hội thảo cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận sâu sắc, đầy đủ hơn nữa, đồng thời đánh giá, làm rõ vai trò trung tâm của Thủ đô là hạt nhân, tiên phong, đầu tàu dẫn dắt trên nhiều lĩnh vực, nhất là trung tâm văn hóa tiêu biểu của quốc gia – dân tộc. Đồng thời, truyền thông rộng rãi về việc Hà Nội tích cực đẩy mạnh phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn lực văn hóa và thương hiệu sáng tạo trong chiến lược phát triển Thủ đô.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội. Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô phải dựa trên nền tảng văn hóa, tìm nguồn lực và phát huy động lực từ văn hóa, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, TP vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.

Đồng thời, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế về Thủ đô tươi đẹp, hòa bình, hữu nghị và người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiếu khách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế.

Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Ngoài các vấn đề chung, nhiều giải pháp tại hội thảo được đề xuất gắn liền với thực tiễn tại các lĩnh vực, địa phương cụ thể, như các giải pháp để hỗ trợ xây dựng, phát triển nâng tầm thương hiệu sáng tạo của làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên (như hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hoàn thiện các quy hoạch, định hướng phát triển làng nghề, tăng cường công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ các làng nghề xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ về vốn); các giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển du lịch ở Làng Việt cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (tuyên truyền, giáo dục về giá trị di tích lịch sử, văn hóa; xây dựng điểm đến Làng cổ ở Đường Lâm thành điểm đến đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia; sớm hoàn thiện quy hoạch phân khu thị xã Sơn Tây, để thị xã sớm trở thành đô thị vệ tinh của TP Hà Nội gắn với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa…); các giải pháp tăng cường thúc đẩy từ các sản phẩm du lịch sáng tạo mang thương hiệu văn hóa Việt dưới góc nhìn từ Chương trình nghệ thuật thực cảnh tinh hoa Bắc Bộ thực hiện tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; các giải pháp phát triển bền vững thương hiệu làng nghề truyền thống Bát Tràng của huyện Gia Lâm… nên có giá trị tổng kết thực tiễn cao, có giá trị tham khảo bổ ích.

Các kiến nghị và giải pháp được đưa ra trong hội thảo dưới nhiều góc nhìn đã thể hiện sự tâm huyết, trăn trở của các tác giả đối với vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng. Tất cả đều hướng mục tiêu phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam cũng như Thủ đô – trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á, tạo cơ sở cho việc mở rộng mạng lưới các TP sáng tạo trên cả nước, nâng cao sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ rà soát, biên tập lại để ứng dụng kết quả hội thảo phục vụ trực tiếp cho các công tác lãnh đạo, quản lý: Với những bài viết, tham luận có luận cứ khoa học, thực tiễn chắc chắn, Tạp chí Cộng sản chọn lọc để đăng tải trực tiếp trên trên các ấn phẩm của mình, đồng thời tổ chức biên tập và xuất bản thành sách để truyền thông rộng rãi nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, chuyển tải vào giáo dục trong nhà trường.

Với những vấn đề thực tiễn chứng minh là đúng nhưng thiếu hệ thống thể chế, chính sách, TP phối hợp tốt với Tạp chí Cộng sản và các cơ quan báo chí chủ lực Trung ương và Hà Nội làm tốt công tác truyền thông chính sách kết hợp với kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng ban hành, hoàn thiện thể chế để có căn cứ pháp lý thực hiện.

Đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, thực tiễn kiểm chứng là đúng, có khung thể chế rõ ràng, các cơ quan chức năng chủ động xây dựng đề án, kế hoạch, bắt tay thực hiện bằng trách nhiệm cao nhất.

XUÂN THANH

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn link gốc: https://phapluatxahoi.vn/da-den-luc-co-mot-chuan-muc-gia-tri-nguoi-ha-noi-hien-dai-211636.html