Trong quá trình triển khai chuyên đề “Nhận diện công tác quản lý đất đai trong hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội”, Kinh doanh và Phát triển điện tử đã nghiên cứu, khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, qua đó cho thấy thực trạng công tác quản lý tồn tại nhiều bất cấp, nhất là việc sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng và kinh doanh trái phép ở các địa bàn ngoại thành Hà Nội.

Tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Chỉ thị số 44 CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, báo cáo đề xuất UBND thành phố có biện pháp, giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm các công trình xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất.

Theo nội dung Chỉ thị, đã nêu rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý. Để khắc phục những tồn tại này, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện một số nội dung, như: Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố; Tham mưu, báo cáo đề xuất UBND Thành phố có biện pháp, giải pháp khắc phục, xử lý các công trình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền; Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tổng hợp danh sách các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất)… Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê danh sách các trường hợp người sử dụng đất đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất so với hồ sơ địa chính mà chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đề xuất UBND Thành phố các giải pháp, biện pháp khắc phục; Yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm khẩn trương nghiêm túc thực hiện hoàn thành việc khắc phục ngay đối với từng tồn tại, vi phạm; xử lý nghiêm các chủ đầu tư chây ì, cố tình không thực hiện.

Tuy nhiên, sau gần hai tháng triển khai Chỉ thị số 44, công tác quản lý đất đai ở một số địa bàn ngoại thành Hà Nội vẫn tồn tại nhiều bất cập. Qua khảo sát thực tiễn, cho thấy các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn gia tăng, đặc biệt sử dụng vào những mục đích hoạt động kinh doanh, gây ảnh hưởng trật tự đô thị và phát triển kinh tế xã hội.

Để minh chứng chuyên đề, qua khảo sát nhận diện thực trạng tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho thấy tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp đã diễn ra nhiều năm qua. Trong khi các vi phạm cũ còn chưa được xử lý dứt điểm thì lại xuất hiện vi phạm mới, gây nên nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân. Cụ thể, hoạt động xây dựng nhà tôn trái phép, lấn chiếm đất nông nghiệp sử dụng kinh doanh cho mục đích cá nhân đang diễn ra tại các số nhà 68, 80-82 đường Pháp Vân (gần chợ cá Yên Sở).

Thậm chí, có trường hợp, cả khu vực đất nông nghiệp khoảng 2.500m2 nằm ngay sau dự án trụ sở công an phường Yên Sở còn bị công khai san ủi đổ bê tông, để mở quán kinh doanh hàng ăn, gây ảnh hưởng an ninh trật tự cũng như môi trường đô thị.

Khu đất nông nghiệp – tại khu tái định cư X2b sau dự án công an phường Yên Sở.

Cá biệt, tại phường Yên Sở, còn cả khu đất công đặt Trung tâm Tổng hội thanh niên xung phong làm kinh tế (đối diện Trung tâm Đăng kiểm số 9 đường Pháp Vân) cũng bị xây dựng nhà tôn trái phép.

Khu đất công phường Yên Sở đặt Trung tâm Tổng hội thanh niên xung phong làm kinh tế – đối diện Trung tâm Đăng kiểm số 9 đường Pháp Vân.

Mới đây, qua tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, được biết, sau nhiều lần có sự thắc mắc từ dư luận, chính quyền phường Yên Sở vừa quyết định triển khai cưỡng chế tháo dỡ, tuy nhiên đó chỉ là những hình thức mang tính “đối phó trước mắt”, “xử lý phần ngọn”, không hề được xử lý dứt điểm vào đúng các công trình vi phạm nêu trên.

Mới đây, qua tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, được biết, sau nhiều lần có sự thắc mắc từ dư luận, chính quyền phường Yên Sở vừa quyết định triển khai cưỡng chế tháo dỡ, tuy nhiên đó chỉ là những hình thức mang tính “đối phó trước mắt”, “xử lý phần ngọn”, không hề được xử lý dứt điểm vào đúng các công trình vi phạm nêu trên.

Trước đó, để bảo đảm công tác quản lý trật tự xây dựng, từ năm 2019, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18-3-2019 qui định về “Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội”. Theo đó, “công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật; Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”.

Tại Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Những sai phạm trong trật tự xây dựng trên địa bàn phường Yên Sở nêu trên, bên cạnh ý thức và lợi ích của một số nhóm đối tượng, còn là hệ quả của công tác buông lỏng quản lý đất đai. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và các đơn vị chức năng có thẩm quyền cần nhìn thẳng vào thực trạng, đưa ra các giải pháp tháo gỡ, có biện pháp xử lý dứt điểm, dù muộn còn hơn không. Trong quá trình thực hiện chuyên đề, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân, cho thấy dấu hiệu hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp đang bị lấn chiếm tràn lan, gây thất thoát nghiêm trọng tài nguyên quốc gia. Những nội dung này sẽ được nhận định, đánh giá, phân tích từ các ý kiến đa chiều của chính quyền, người dân, doanh nghiệp trong bài viết sau.