Thông báo nêu rõ, ngày 12/7/2023, tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết được hiệu quả, kịp thời, đồng bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo thực hiện các công việc sau đây:
Một là, Chính phủ khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, trong đó xác định cụ thể yêu cầu về lộ trình, tiến độ thực hiện, trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan và của chính quyền địa phương các cấp; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, đề xuất phương án, xây dựng đề án, xác định mục tiêu, lộ trình và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương, bảo đảm thực hiện thành công chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân ở các địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ, hiệu quả.
Hai là, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong quá trình xem xét, tham gia ý kiến, thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, các đề án thành phần cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ, rút ngắn thời gian xem xét, giải quyết để bảo đảm tiến độ trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời, kịp thời hướng dẫn việc thực hiện các công việc có liên quan thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, tạo thuận lợi tối đa cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Ba là, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn cần: Nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện phương án sắp xếp để bảo đảm sự tiếp nối của giai đoạn 2023 – 2025 với giai đoạn 2026 – 2030, tránh trường hợp khi xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2026 – 2030 lại gặp khó khăn do không thể nhập, điều chỉnh với các đơn vị hành chính khác liền kề.
Khi xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động cần xem xét, đánh giá toàn diện cả quá trình hình thành, phát triển của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp để có thể kế thừa, tiếp tục phát huy truyền thống của địa phương, hạn chế làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.
Tiến hành rà soát, có giải pháp để điều chỉnh, xử lý dứt điểm các trường hợp đơn vị hành chính có tranh chấp về địa giới hành chính, đơn vị hành chính có địa hình chia cắt, không thuận lợi cho người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Khi lựa chọn, xác định tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp cần lựa chọn tên gọi có ý nghĩa, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; cần lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, đồng thời có tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi đã được sử dụng trong lịch sử hình thành, phát triển của đơn vị hành chính.
Chủ động rà soát, xem xét tạm dừng phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở công tại những đơn vị hành chính dự kiến nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính khác, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các trường hợp thuộc diện sắp xếp
Theo đó, giai đoạn 2023-2025, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp gồm 3 trường hợp.
Một là đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính).
Hai là đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Ba là đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Giai đoạn 2026-2030 cũng có 3 trường hợp thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính.
Một là đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Hai là đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Ba là đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính
Nghị quyết cũng quy định rõ các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính dù không đáp ứng được các tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số.
Đó là 4 trường hợp có yếu tố đặc thù: Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 – 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2023 – 2025 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021. Trong giai đoạn 2026 – 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 và giai đoạn 2023 – 2025.