Kỳ vọng về quy hoạch vùng Thủ đô

Thị trường bất động sản Hà Nội xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực đến từ thông tin quy hoạch, định hướng đã, đang và sẽ triển khai trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trước mắt, dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đã được khởi công vào ngày 25/6/2023, với tốc độ triển khai nhanh chóng được kỳ vọng sẽ tạo nên những chuyển biến lớn cho diện mạo đô thị Hà Nội. Đường vành đai 4 sẽ giảm áp lực giao thông cho vành đai 3, kết nối 7 tuyến cao tốc; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các vùng xung quanh.

Bên cạnh đó, định hướng mở rộng nội đô thành phố Hà Nội cũng trong giai đoạn đi đến hồi kết khi huyện Đông Anh và Gia Lâm dự kiến lên quận vào cuối năm 2023 cũng sẽ tạo những biến chuyển tích cực cho thị trường BĐS Thủ đô khi quá trình lên quận sẽ thúc đẩy các huyện này phải hoàn thành các tiêu chí bắt buộc về hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, cũng như các chỉ tiêu kinh tế khác. Các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì dự kiến lên quận trong quý III/2024.

Đặc biệt hơn nữa, khi Hà Nội cho phép phân lô tách thửa trở lại sẽ là tia sáng cho thị trường đất nền Thủ đô. Cụ thể, ngày 26/4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội lại ban hành Văn bản số 2869/STNMT-ĐKTKĐĐ về việc bãi bỏ Văn bản 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ. Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Bên cạnh đó, liên tiếp trong những tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất huy động và đây trở thành một trong nhữngđộng lực thúc đẩy thanh khoản thị trường bất động sản.

Cùng với đó, hàng loạt các điểm nghẽn dần được tháo gỡ như Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu; Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, … cùng nhiều công điện giúp tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Nhờ những tín hiệu tích cực này, nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang khu vực lân cận, đặc biệt ở những khu vực cửa ngõ Hà Nội có tiềm năng phát triển lớn.

Thanh khoản thị trường dần được khôi phục

Tín hiệu hồi phục của thị trường bắt đầu xuất hiện kể từ thời điểm cuối tháng 3, lãi suất cho vay bất động sản bắt đầu hạ. Một số dự án bắt đầu rục rịch ra hàng.

Dự báo và phân tích của BHS Group cho thấy có một số tín hiệu tích cực về tình hình thị trường bất động sản tại Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023. Các yếu tố như sự nới lỏng kiểm soát pháp lý, thu hút vốn FDI và sự quan tâm của các nhà đầu tư vừa và nhỏ có thể đóng góp vào sự ổn định hoặc tăng giá đất nền và các sản phẩm bất động sản khác. Tuy nhiên, dự báo cũng chỉ ra rằng không nên kỳ vọng vào sự “thổi giá” mạnh mẽ như trước đây.

Thanh khoản trên toàn thị trường có xu hướng hồi phục.

Ở thời điểm cuối tháng 5, sau động thái tiếp tục giảm lãi suất, thanh khoản trên thị trường tiếp tục ghi nhận gia tăng. Một đơn vị môi giới ở Hà Nội cho biết, chỉ trong một ngày, đơn vị này ghi nhận phát sinh thành công 3 giao dịch biệt thự tại khu đô thị nằm ở huyện Mê Linh, Hà Nội.

Tỷ lệ thanh khoản của các dự án lớn ở phía Đông Hà Nội cũng có xu hướng tăng đáng kể. Trong tháng 6/2023, một đơn vị cũng ghi nhận gần 100 giao dịch phát sinh, phần lớn tập trung ở các chung cư mới mở bán. Điều này cho thấy, nhu cầu của người dân về nhà ở còn rất cao. Nhận định về tính thanh khoản, đơn vị này cho biết, so với con số hồi đầu năm 2022 thì đến nay đã tăng đáng kể.

Thông tin thanh khoản trên thị trường đang tăng trở lại khiến giới đầu tư kỳ vọng vào kịch bản sớm sôi động trở lại của bất động sản Hà Nội. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cẩn tọng khi xuống tiền, cầm tìm hiểu rõ thông tin về dự án, quy hoạch, địa hình để xuống tiền vào thời điểm thích hợp nhất.

Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn (Savills Hà Nội) cho biết, tại Hà Nội nguồn cung thị trường căn hộ trung và cao cấp vẫn chiếm tỉ lệ cao, trong khi tỷ lệ căn hộ vừa túi tiền ngày càng giảm và ở mức thấp trong tương quan với tổng nguồn cung được chủ đầu tư tung ra bán trên thị trường.

Theo bà Hằng, gần đây, UBND TP. Hà Nội đang xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai nhiều năm tại các khu vực giúp tạo sự minh bạch cho thị trường, loại bỏ các dự án kém chất lượng.

Bà Hằng cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2023, 9 dự án căn hộ mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ mở bán 7.000 căn hộ. Các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm và Hoàng Mai sẽ có tổng cộng 73% thị phần. Thị trường được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn vào cuối năm khi các Luật liên quan BĐS được thông qua.

Đặc biệt, trong tổng số 1 triệu căn nhà ở xã hội của cả nước, chỉ tiêu của Hà Nội là 56.200 căn. So sánh với nguồn cung căn hộ tương lai có thể có trong những năm sắp tới của Hà Nội 95.200 căn, nguồn cung nhà ở xã hội tương đương 59% nguồn cung nhà ở thương mại.

Theo KDPT