Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ gì để phát triển thị trường này?

Khẳng định vấn đề đại biểu nêu là chính xác, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận, bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được, thì việc thực hiện nhiệm vụ này “cũng có những hạn chế”, nhất là về cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy và khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối và dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hạn chế, đặc biệt là đối với các công nghệ tiên tiến… Do đó, trong thời gian tới, trước tiên về cơ chế, chính sách, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các cơ chế, chính sách và trực tiếp Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ điều chỉnh những quy định cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Bộ sẽ thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và xác định đây là “giải pháp căn cơ nhất”, Bộ trưởng nêu rõ.

Không né tránh tồn tại, hạn chế, đưa ra được giải pháp, định hướng, phương án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời rất cầu thị lắng nghe các gợi mở, đề xuất của Chủ tọa điều hành phiên chất vấn cũng như các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trả lời đầy đủ và khá thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu.

Trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) về việc sau gần 4 năm có Nghị quyết của Bộ Chính trị (về chủ trương đẩy nhanh việc thành lập các Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt là tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh), qua nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa UBND TP. Đà Nẵng với Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời, Bộ trưởng “xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này, mặc dù đã có chủ trương, đã có chỉ đạo”.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ trưởng “cũng rất mong đại biểu và Quốc hội chia sẻ”. Bởi, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo là “vấn đề rất mới, Việt Nam chưa có tiền lệ”, đòi hỏi “phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng”, “bảo đảm đúng quy định và hiệu quả”. Đồng thời, đưa ra phương án giải quyết vấn đề này, theo đó, “cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, Bộ sẽ phối hợp với Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để hình thành các trung tâm này một cách chính thức, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, và là đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập tự chủ hoàn toàn”, Bộ trưởng nêu rõ.

Khoa học và công nghệ được xác định là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc, giải quyết các thách thức trên mọi mặt của đời sống. Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, qua các chất vấn của đại biểu và trả lời của Bộ trưởng, thì vẫn còn đó không ít khó khăn, vướng mắc. Việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ còn không ít hạn chế.

Một trong số những hạn chế được đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn, đồng thời cũng là mối quan tâm của cử tri và các nhà khoa học hiện nay, đó là vấn đề chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học như thế nào và dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ra sao? Giải pháp nào của Bộ Khoa học và Công nghệ để việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được phổ biến rộng khắp ruộng vườn, nương rẫy, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân? Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành lập đã gần 10 năm nay, nhưng gần như chưa phát huy hiệu quả, dẫn đến tình trạng “thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ” đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực dành cho khoa học và công nghệ còn nhiều khó khăn?…

Tất cả những tồn tại, hạn chế này đang chờ câu trả lời cũng như các giải pháp căn cơ, quyết liệt từ Chính phủ và “tư lệnh” lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ảnh: Lâm Hiển

Số lượt đại biểu đăng ký chất vấn một bộ trưởng cao kỷ lục

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có số lượng đại biểu đăng ký chất vấn cao kỷ lục, lên đến 122 đại biểu đăng ký. Đã có 32 đại biểu tham gia chất vấn, gồm 20 đại biểu đặt câu hỏi và 12 đại biểu tham gia tranh luận. Còn 92 đại biểu đăng ký chất vấn và 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi câu hỏi đến bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Qua báo cáo cùng với các ý kiến tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được triển khai tích cực, hoàn thành 8/11 mục tiêu quan trọng đề ra; đã ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. “Đây là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Hành lang pháp lý về phát triển khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là đối tượng ưu tiên hỗ trợ của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ được cải thiện theo hướng tích cực. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu hình thành, phát triển; hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu; khoa học và công nghệ ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Đã chú trọng, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Chúng ta xuất khẩu đã đạt đến 52,3 tỷ đô la vào năm 2022, hướng đến xuất khẩu 55 tỷ đô la trong thời gian tới. Việt Nam đã làm chủ, áp dụng thành công nhiều công nghệ, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đem lại hiệu quả to lớn. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách phát triển khoa học công nghệ

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tập trung vào những vấn đề chính. Theo đó, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030; tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức; có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần chú trọng hơn việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới; công bố công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ và đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện quy định về khu công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp thúc đẩy phát triển các loại hình khu chức năng.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; trong đó nghiên cứu rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ khoa học và công nghệ, nhất là dịch vụ tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Theo KDPT