Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) và ý kiến nhân dân đầu năm 2023 đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng. Nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết hơn, sát thực tế hơn và có tính khả thi cao hơn, từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, phúc đáp được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất công phu, rất chất lượng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
“Những nội dung mới, rất đáng chú ý nhưng chưa thể tiếp thu ngay được, hoặc có những vấn đề trái với những quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước thì không thể tiếp thu được hay chưa thể tiếp thu được thì cũng báo cáo lại cho tường minh chuyện này”, ông Huệ lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại phiên thảo luận, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề cập một số nội dung chưa có trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, nhưng nhiều ý kiến nhân dân cũng như các cơ quan, tổ chức đã góp ý. Như việc bổ sung quy định về quyền sử dụng đất cho đối tượng người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, hay bổ sung quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tổ chức tài chính nước ngoài.
Hiện nay, hai nội dung Chính phủ đang đánh giá tác động kỹ lưỡng và trường hợp nếu cần thiết bổ sung vào Luật Đất đai thì sẽ phải báo cáo Đảng đoàn Quốc hội để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo cơ quan có thẩm quyền, bà Oanh cho biết.
Góp ý vào nội dung Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ có rất nhiều điều giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết hoặc là thực hiện theo quy định của Chính phủ, trong đó có nội dung rất quan trọng là tài chính đất đai, phương pháp, cách thức, trình tự, thủ tục tính giá đất.
“Đây là những vấn đề đại sự, rất lớn, người dân đang rất quan tâm, cần phải luật hóa vấn đề tài chính đất đai và vấn đề liên quan đến giá đất để người dân, doanh nghiệp còn biết. Mình chỉ quy định một câu là việc này theo nguyên tắc thế này, rồi sau đó Chính phủ quy định, lúc đó thẩm quyền hoàn toàn là của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với Ủy ban Kinh tế là những vấn đề lớn nên quy định trong luật, còn lại mới giao Chính phủ hướng dẫn thì sẽ phù hợp hơn.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, mặc dù Dự thảo đã quy định nguyên tắc các phương pháp định giá đất và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất, đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong Dự thảo về nội dung các phương pháp định giá đất và trường hợp, nguyên tắc áp dụng phương pháp cụ thể để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân, Cơ quan soạn thảo hồi âm: “Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không đề cập đến nội dung về công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng như không đặt ra vấn đề về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do đó, cơ quan soạn thảo xin giữ như quy định của dự thảo Luật”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân.
Về các nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu, Dự thảo Luật bổ sung quy định người sử dụng đất đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm phải nộp. Bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó.
Dự thảo mới nhất cũng quy định cụ thể về điều kiện mua bán tài sản gắn với đất và chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm tại Điều 47 để ngăn ngừa việc lợi dụng đầu cơ trục lợi. Rà soát các điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê quy định tại Điều 53 nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng chính sách để huy động vốn vượt quá giá trị dự án, tạo rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tín dụng và các hậu quả xã hội khác; đảm bảo sự thống nhất đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Theo dự thảo mới, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Giá đất tái định cư là giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tiếp thu ý kiến nhân dân, Dự thảo bổ sung một số trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với khu nông nghiệp, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; công trình công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch nhằm thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Nhà nước.
Bổ sung quy định về điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phù hợp với dự thảo Luật Nhà ở đang được Quốc hội xem xét; các điều kiện cho các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, Phó thủ tướng thông tin
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm (khai mạc ngày 22/5).