web analytics

Cần khoảng 25.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu 100% số hộ dân được sử dụng điện 21/12/2020

(KDTT) – Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đưa ra tại Hội nghị tham vấn huy động nguồn lực đầu tư chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2021 – 2025 mà Bộ Công thương Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng nay (18/12) tại Hà Nội.

Phát triển hệ thống lưới điện cho vùng nông thôn, miền núi và hải đảo là chủ trương nhất quán của Đảng, nhà nước ta trong thời gian vừa qua.Từ năm 2003, Bộ Chính trị đã có kết luận số 26- BCT ngày 24/10/2003 về “Chiến lược và quy hoạch phát triển điện cho giai đoạn 2010 và tầm nhìn 2020” trong đó nêu rõ:  cần đẩy nhanh chương trình đưa điện về nông thôn và miền núi, phấn đấu đến năm 2010 có tỷ lệ là 90% số vùng nông thôn có điện và đến 2020 đạt 100% số hộ ở vùng nông thôn có điện.

Toàn cảnh Hội nghị được Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng với phương châm “Nhà nước và nhân dân, Trung ương và Địa phương cùng làm” ngành điện đã huy động được nguồn lực vô cùng to lớn của cả xã hội để tập trung đầu tư cho sự nghiệp điện khí hóa nông thôn, ngay cả khi kinh tế đất nước còn nghèo và lạc hậu. Đặc biệt sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế và tổ chức tín dụng quốc tế, giai đoạn 1998 – 2013 đã huy động tổng vốn cả nước đã đầu tư cho phát triển lưới điện nông thôn khoảng 48.291 tỷ đồng, trong đó phải kể đến vai trò to lớn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW),…

Tại “Hội nghị tham vấn huy động nguồn lực đầu tư chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025” được tổ chức vào sáng nay (18/12), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết : trong giai đoạn 2016 – 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, theo đó nguồn lực đầu tư lớn khoảng 30.116 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu hầu hết số hộ dân được sử dụng điện. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước còn thiếu, các nguồn tín dụng ưu đãi hạn chế, đến nay tổng vốn được giao cho giai đoạn 2016-2020 là 4.743 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,5%. Chỉ tiêu số hộ dân được cấp điện đạt thấp 19% tương đương 204.737 hộ dân nông thôn; Số xã được cấp điện hoàn thành 100%; cấp điện trạm bơm: 89/2.727 trạm đạt 3,26 %; cấp điện cho 3/3 các đảo (Đảo Bạch Long Vỹ; đảo Nhơn Châu; đảo Trần) có điện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị.

Có thể nói việc cung cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi và hải đảo đã đóng vai trò rất lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các khu vực này, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo đồng thời có đóng góp to lớn để Việt Nam hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, trong thời gian tới với khối lượng, nhu cầu đầu tư cấp điện vùng sâu, vùng xa là rất lớn. Do đó theo tính toán của Bộ Công thương để hoàn thành mục tiêu này cần tiếp tục huy động nguồn lực khoảng 21.143 tỷ đồng nhằm thực hiện cấp điện an toàn, ổn định cho khoảng 871.263 hộ dân của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã. Ngoài ra, nếu tính toán đến cả phương án cấp điện cho huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thì cần thêm khoảng 4.800 tỷ đồng nữa. Như vậy tổng quy mô của chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo để đạt mục tiêu 100% số hộ dân có điện tính trong giai đoạn 2021 – 2025 thì cần huy động nguồn vốn tổng cộng là 25.943 tỷ đồng. Đây thực sự là một con số rất lớn và đặt ra nhiều thách thức nếu muốn thực hiện. Chính vì vậy rất cần có sự tham gia của các tổ chức tín dụng, tài chính quốc tế cùng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trên thế giới trong công tác đầu tư điện nông thôn.

TRƯỜNG MINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT