Thông tin trên được ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ tại Toạ đàm: “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử” do Tạp chí Thị trường Tài chính, tiền tệ tổ chức mới đây.

Hiện đại hóa sản phẩm , dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng công nghệ mới, đa tiện ích, được người dùng đón nhận.

Nếu như trước năm 2016, khoảng 500.000 – 1.000.000 giao dịch/ngày là con số mơ ước của các tổ chức tín dụng thì đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).

“Với lượng thanh toán hàng ngày lớn như vậy, chuyển đổi số là hết sức quan trọng và thiết thực. Đối với ngành ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra”, ông Hùng nói.

Theo đại diện Hiệp hội ngân hàng, tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, chuyển đổi số có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Hiện tại, có khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư và nếu không có chuyển đổi số thì sẽ không thể tích hợp nhanh đến vậy. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.

Theo ông Hùng, đến nay các ngân hàng thương mại đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho công cuộc chuyển đổi số.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết bà nhận thấy rằng người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận chuyển đổi số. Một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022 cho thấy 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua trong khi tỷ lệ này ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 88%.

“Các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam đã rất chủ động trong việc đảm bảo bắt kịp các xu hướng và công nghệ. Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Từ khóa tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự tích cực”, bà Winnie Wong nói.

Theo đó, các ngân hàng ở Việt Nam hiểu rằng chuyển đổi số không chỉ là một hay hai sự cải tiến, mà là một sự phát triển đổi mới liên tục. Đó là những nỗ lực không ngừng tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ các giao dịch, phục vụ khách hàng tốt hơn, và đem đến hiệu quả cho không chỉ riêng một ngân hàng mà toàn ngành ngân hàng nói chung.

Theo KDPT