web analytics

Bí ẩn công cụ “hồi sinh” hình ảnh người đã khuất 11/03/2021

(KDTT) – Vừa qua, trang web chuyên về bảo tồn phả hệ MyHeritage đã cho ra mắt dịch vụ DeepNostalgia biến hình ảnh người quá cố thành video với các biểu cảm sống độngVề cơ bản công cụ này là ứng dụng của công nghệ ‘deepfake’, vốn rất nổi tiếng từ năm 2018.

Theo tờ TNW, MyHeritage cho biết đã sử dụng một số phần mềm điều khiển AI được cấp phép từ công nghệ nhận dạng khuôn mặt kỹ thuật số D-ID của Israel để tạo hoạt ảnh cho ảnh tĩnh.

Hình ảnh được tạo ra trên hệ thống Deep Nostalgia khiến người dùng vừa thấy kinh ngạc vừa khiếp sợ. (Ảnh: MyHeritage).

“Mỗi phần mềm điều khiển thực hiện một chuỗi các chuyển động và cử chỉ cố định. DeepNostalgia sẽ áp dụng chính xác các phần mềm điều khiển vào khuôn mặt trong ảnh tĩnh và tạo thành một video ngắn. Kết quả là bạn có thể thấy người thân quá cố của mình mỉm cười, chớp mắt và quay đầu”, MyHeritage cho biết.

MyHeritage cho biết, DeepNostalgia sẽ không có tính năng ghép giọng nói vào video, do lo ngại người dùng có thể tạo video ‘deepfake’ (thuật ngữ được tạo nên với sự kết hợp giữa “Deep Learning” và “Fake” (giả mạo), là một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo). Tuy nhiên, website này đã tạo một video màu với nội dung cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln giới thiệu về MyHeritage.

Để sử dụng, người dùng phải đăng ký một tài khoản miễn phí, sau đó tải ảnh lên. AI sẽ dùng thuật toán học máy để áp chuyển động vào khuôn mặt của người trong ảnh. Nó cũng bổ sung những điểm không xuất hiện trong ảnh gốc, như hàm răng hoặc một bên đầu bị khuất.

Các quy trình chuyển đổi được tự động hóa, sau đó xuất ra video hoặc ảnh gif. MyHeritage khẳng định sẽ không chia sẻ dữ liệu ảnh cho bên thứ ba, đồng thời ảnh đã tải lên mà không hoàn tất đăng ký sẽ tự động bị xóa để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Công nghệ ‘deepfake’ thường được sử dụng cho những mục đích xấu nhằm hạ thấp danh dự của người khác. Việc này khiến nhiều người đã xem deepfake như một “tội phạm” của Internet. (Ảnh: MyHeritage).

Hình ảnh của Deep Nostalgia dẫn tới nhiều phản ứng khác nhau, từ rơi nước mắt khi thấy người thân đã khuất mỉm cười, tới cảm giác lạ lùng khi thấy sự kết nối với những nhân vật lịch sử đã qua đời từ lâu. Nó chạm đến một bức tường cảm xúc bí ẩn giữa con người và công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.

Công nghệ ‘deepfake’ đã gây tranh cãi về mặt đạo đức suốt nhiều năm, nhất là khi nó bị lạ‌m dụn‌g cho mục đích xấu, như trả thù hoặc giả mạo thông tin để làm nhiễu loạn thị trường tài chính và an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại về văn hóa và đạo đức, loại hình công nghệ này cũng đang nhanh chóng trở thành xu hướng và được nhiều công ty ứng dụng cho những chiến dịch quảng cáo nhằm dễ cá nhân hóa. Cách đây vài tháng, Microsoft đã nhận được bằng sáng chế cho một chatbot cho phép người dùng “nói chuyện” với người đã chết. Trước đó, một nhà máy bia đã dùng công nghệ ‘deepfake’ để tạo chiến dịch quảng cáo dựa trên hình ảnh một ca sĩ đã qua đời; hay một chương trình truyền hình tại Hàn Quốc đã tạo video về nghệ sĩ Kim Kwangseok biểu diễn đàn guitar – người đã qua đời cách đây 25 năm.

HẠ HIỀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT