web analytics

Báo chí đồng hành cùng Du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 28/11/2021

(KDTT) – Ngày 27.11, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) phối hợp với Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức diễn đàn Báo chí đồng hành cùng Du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19, với sự tham gia của các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch; đại diện hội nhà báo các địa phương, các cơ quan báo chí.

Ban chủ trì Diễn đàn Báo chí đồng hành cùng du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19

Phát biểu khai mạc chương trình, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo Nguyễn Thành Lợi cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian qua du lịch Việt Nam chịu những tổn thất rất nặng nề.

Tổ chức Du lịch thế giới dự báo du lịch quốc tế sẽ phải mất từ 3 – 4 năm để phục hồi. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh; thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút…

“Hiện nay, du lịch vừa phải thực hiện mục tiêu phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung vào du lịch nội địa và yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu; thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông; chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực… Thời gian qua có thể thấy, càng đứng trước khó khăn, thách thức, Du lịch Việt Nam càng nỗ lực, chủ động thích ứng, phát huy nội lực và khôi phục hoạt động trong tình hình mới”, ông Nguyễn Thành Lợi nói.

Trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn, lãnh đạo các cơ quan quản lý du lịch tại các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh… đều cho rằng báo chí đã giúp tác động tới nhiều đối tượng, vấn đề khác nhau, hỗ trợ ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Đối với khách du lịch, báo chí truyền tải những thông tin nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, giúp du khách biết môi trường du lịch của chúng ta đã an toàn, từ đó giải tỏa tâm lý e ngại dịch bệnh của du khách và có nhiều lựa chọn để du lịch.

Đối với các doanh nghiệp, báo chí đã thông tin những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, góp phần làm thay đổi chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí có tác động rất lớn đối với việc đưa ra những chính sách kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, có những chính sách tác dụng ngay lập tức để khôi phục hoạt động du lịch.

Đồng thời, báo chí hỗ trợ các công tác truyền thông xúc tiến, quảng bá du lịch của từng địa phương và Việt Nam nói chung, giới thiệu những dịch vụ, sản phẩm du lịch mới… từ đó thúc đẩy việc thu hút khách du lịch.

Từ giữa tháng 11.2021, Việt Nam thực hiện thí điểm đón khách quốc tế tại Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh… sự tuyên truyền mạnh mẽ của cơ quan báo chí với nhiều hình thức quảng bá phong phú, hiện đại đã góp phần xây dựng hình ảnh Du lịch Việt Nam thân thiện, chất lượng và an toàn tới du khách trong và ngoài nước.

Theo ông Ngô Hải Dương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Du lịch, từ trước đến nay hệ thống báo chí Việt Nam có vai trò quan trọng trong quảng bá Du lịch Việt Nam, thông tin đáng tin cậy đóng góp một phần không nhỏ vào thành công du lịch. Khi dịch Covid-19 xảy ra, báo chí đã kịp thời chia sẻ khó khăn, các loại hình du lịch mới phù hợp với tình hình dịch, quảng bá chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Đồng thời chủ động cập nhật thông tin trên thế giới, tổ chức các chương trình, diễn đàn, đề xuất đóng góp ý kiến cho ngành Du lịch trong thời gian tới, tạo thêm động lực cho du khách du lịch trở lại.

Đề xuất những phương thức truyền thông mới trong ngành Du lịch, ông Nguyễn Hồng Hà, Ban khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, cần tăng cường chia sẻ hình ảnh, video, clip giữa các cơ quan báo chí, giữa ngành Du lịch, doanh nghiệp du lịch với cơ quan báo chí để có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông du lịch tốt nhất.

Các đại biểu tham dự sự kiện

 

Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương, dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành Du lịch chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Mặc dù đã rất nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, nhưng các chỉ số tăng trưởng của ngành vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình hình này, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL tiếp tục trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: các chính sách vay ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, giảm thuế, phí…. Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh truyền thông điểm đến du lịch an toàn, chuyển đổi số trong du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn…

Đây là thời điểm phù hợp để các đơn vị, doanh nghiệp cùng ngồi lại, đánh giá “sức khỏe” của ngành, của doanh nghiệp cũng như định hướng lại thị trường nhằm đưa ra giải pháp hữu hiệu vực dậy thị trường du lịch, từng bước đưa Du lịch Việt Nam trở lại thời hoàng kim như trước khi diễn ra Covid-19.

Ngành Du lịch rất mong sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, trong đó đặc biệt là vai trò của truyền thông. Báo chí truyền thông cần đồng hành, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, cung cấp thông tin nhiều hơn nữa cho các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, để qua đó Nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19.

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn nêu ý kiến báo chí cần phối hợp với truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông mới để tạo ra sản phẩm truyền thông hiệu quả, đặc biệt chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan cấp hội nhà báo. Bên cạnh đó, báo chí đồng hành truyền thông vừa phát triển du lịch, vừa phòng chống dịch một cách hiệu quả, thúc đẩy hoạt động kinh tế xã hội trong bối cảnh mới.

Ngành Du lịch đang tiếp tục triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 theo Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL của Bộ VHTTDL với 6 nhiệm vụ chính: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch. Trong đó, truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch là nhiệm vụ quan trọng.

“Để phục hồi du lịch trong thời gian tới thì vắc xin, 5K, công nghệ và truyền thông là những yếu tố quyết định. Toàn ngành Du lịch đang nỗ lực quảng bá các điểm đến Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa; cũng như đồng hành với doanh nghiệp để đưa ra các sản phẩm hấp dẫn, an toàn”, ông Nguyễn Quý Phương khẳng định.

VŨ AN

Bạn đang đọc bài Báo chí đồng hành cùng Du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19
tại chuyên mục Cộng đồng.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT