Trong khuôn khổ Phiên họp Hội đồng Hiệp định CPTPP lần thứ 7 diễn ra ngày 16/7 tại New Zealand, Bộ trưởng các thành viên đã thông qua Quyết định phê duyệt các điều kiện cho việc gia nhập của Vương quốc Anh và ký Nghị định thư gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh

Theo Cục Phòng vệ thương mại, nền kinh tế thị trường là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.

Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của Nhà nước với quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước với yếu tố sản xuất như vốn, lao động. Do đó, quốc gia có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường.

Nếu nước xuất khẩu hàng hóa không được coi là một nền kinh tế thị trường, thay vì sử dụng thông tin về chi phí và giá thành của chính doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tính toán biên độ phá giá, nước nhập khẩu sẽ sử dụng thông tin có tính đại diện của doanh nghiệp một nước thứ ba thay thế được coi là có nền kinh tế thị trường.

Hậu quả là biên độ phá giá thường được xác định cao hơn, dẫn đến mức thuế phòng vệ thương mại cũng cao hơn nhiều so với các nước được coi là nền kinh tế thị trường.

Trong một số trường hợp, mức thuế phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp đến từ các nước không được coi là nền kinh tế thị trường có thể lên đến trên 100%.

Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, tính đến nay, Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là một nền kinh tế thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau; trong đó, có nhiều đối tác thương mại quan trọng.

Do vậy, việc công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Đặc biệt, môi trường ổn định và minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo KDPT