web analytics

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021):
Võ Nguyên Giáp – Vị Đại tướng của lịch sử và của nhân dân 25/08/2021

(KDTT) – Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), chúng ta đều nhận thấy Ông là một nhân vật rất đặc biệt, xuất chúng, là một vĩ nhân. Sự đặc biệt này thể hiện rất rõ trong toàn bộ cuộc đời xuyên qua hai thế kỷ XX và thế kỷ XXI của Ông. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, lối, suy nghĩ và hành động của một bộ phận đông đảo người dân, đến chiều hướng phát triển của đất nước.

Là người làm công tác nghiên cứu lịch sử, tôi có may mắn được gặp trực tiếp, được nghe Ông phát biểu ở hội nghị, hội thảo một số lần; bên cạnh đó, lại được nghe kể nhiều về Ông, đọc những bài, những sách Ông viết; đọc các bài, các sách của các nhà nghiên cứu, tướng lĩnh, chính khách trong và ngoài nước, các cán bộ dưới quyền và người dân viết về Ông và qua nghiên cứu của bản thân, có thể nêu lên những điểm đặc biệt về Ông như sau:

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (Ảnh tư liệu)

 

Một là, Ông là một trong những vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội có tuổi thọ cao nhất – 103 tuổi

Có hai người mà tôi biết có tuổi thọ vượt quá 100 năm. Đó là ông Dương Quang Đông (1902-2003), nguyên là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ những năm 1942-1944. Người thứ hai là ông Đỗ Mười (1917-2018), nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù rất bận rộn khi còn làm việc cũng như khi đã nghỉ hưu (1991), nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có ý thức cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, thư giãn, giữ cho tinh thần thanh thản, thư thái. Đại tướng thường ngồi thiền, đánh đàn dương cầm, đọc sách, chăm chút cho cây hoa trong vườn; ăn nghỉ điều độ, nên luôn minh mẫn, khoẻ mạnh cho dù tuổi ngày càng cao. Việc giữ cho tâm hồn luôn an nhiên, tự tại. làm chủ mọi công việc và sinh hoạt đời thường, luôn động não suy nghĩ… đã giúp cho Đại tướng đại thọ.

Hai là, Ông là một trong những nhà lãnh đạo có thời gian tham gia hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, cho dân, cho nước dài nhất

Trong số những vị tướng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam, duy chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Quân đội duy trì một Văn phòng giúp việc với các sĩ quan cao cấp đương chức làm thư ký. Chỉ sau khi Đại tướng qua đời, Văn phòng mới kết thúc sau 23 năm hoạt động. Đây là một minh chứng cho thấy khả năng làm việc bền bỉ và cống hiến của Đại tướng đối với Quân đội, đất nước.

Câu chuyện thứ hai tôi muốn kể về việc Đại tướng luôn quan tâm đến tình hình chính trị – xã hội của đất nước, kể cả khi đang nằm trên giường bệnh. Đó là vào tháng 4-2013, anh Võ Điện Biên, con trai của Đại tướng đạp xe đến gặp tôi ở cơ quan tôi đang công tác là Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tuy đã gặp nhau nhiều lần nhưng tôi cũng hơi ngạc nhiên vì sự đến thăm khá bất ngờ của anh. Anh Biên cho tôi biết, anh đọc trên báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh ra và dịp giữa tháng 2-2013, ngay sau Tết nguyên đán, bài tôi trả lời phỏng vấn về sự kiện quân Trung Quốc tiến công Việt Nam (17-2-1979). Trong bài, tôi có nêu và phân tích một số nguyên nhân Trung Quốc mang quân đánh Việt Nam. Anh Biên thấy hay, mang vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đọc cho Đại tướng nghe. Lúc này, Đại tướng vẫn còn tương đối khoẻ nhưng đã phải mở nội khí quản. Nghe xong, Đại tướng ra hiệu bảo anh Biên đến gặp tôi, nói với tôi là Ông hoan nghênh nội dung tôi trả lời và nhắn: “bảo Hà cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về sự kiện lịch sử này”. Tôi thực sự cảm động vì sự quan tâm của Ông đến tình hình đất nước nói chung và bài báo của tôi. Vì điều kiện không thể vào thăm được, tôi nhờ anh Biên gửi lời cảm ơn đến Đại tướng và kính chúc Đại tướng mạnh khoẻ, trường thọ.

Ba là, Ông được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó những trọng trách khi còn trẻ tuổi và đã hoàn thành xuất sắc chức trách được phân công

Cuối năm 1941, sau khi đồng chí Phùng Chí Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng, người được Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao phụ trách công tác quân sự của Đảng đồng thời làm Tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, bị địch phục kích, sau đó sát hại, Võ Nguyên Giáp được tổ chức cử thay Phùng Chí Kiên phụ trách công tác quân sự của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Lúc đó, Ông tròn 30 tuổi. Từ năm 1942, Ông được giao phụ trách tổ chức các đội vũ trang tuyên truyền xung phong mở con đường hành lang vận động quần chúng, gây cơ sở cách mạng, “Nam tiến” từ căn cứ địa Cao Bằng xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, nối thông với Khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai.

Cuối năm 1944, Ông được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao tổ chức thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Đây là đơn vị chủ lực tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội ta hàng năm (22-12-1944). Ngày 15-5-1945, theo quyết nghị của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hoà, Bắc Giang tháng 4-1945, lễ thống nhất Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các đội vũ trang khác thành Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức tại đình làng Quặng, xã Định Biên Thượng, Định Hoá, Thái Nguyên. Võ Nguyên Giáp được giao làm Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân. Đây là lực lượng vũ trang chính quy đã hỗ trợ cho quần chúng nhân dân các địa phương tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền toàn quốc vào tháng 8-1945. Trước khi cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra, Ông được Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang bầu vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Uỷ ban dân tộc giải phóng cải tổ thành Chính phủ lâm thời, Ông được giao làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lúc này ông mới 34 tuổi. Sau cuộc tổng tuyến cử (6-1-1946) bầu ra Quốc hội khoá I, ngày 2-3-1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quốc hội họp kỳ đầu tiên. Tại kỳ họp này, theo sự phân công của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm thực diện đoàn kết dân tộc, vận động người có tài năng ra gánh vác công việc của đất nước, Ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, dành cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, không tham gia đảng phái nào, đảm nhiệm chức vụ này trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Để góp phần chăm lo công việc quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang và vạch kế hoạch tác chiến, đề phòng trường hợp nổ ra chiến tranh, Quốc hội đã thành lập tổ chức Quân sự uỷ viên hội (gọi tắt là Quân uỷ hội). Ông được bầu giữ chức Chủ tịch Quân uỷ hội.

Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, tháng 11-1946, Ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia. Lúc này Ông mới 35 tuổi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), dưới, sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông đã lãnh đạo, chỉ huy Quân đội triển khai cuộc chiến tranh nhân dân, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân từng bước vững mạnh. Ghi nhận công lao, đóng góp và để động viên Ông tiếp tục cố gắng thực hiện trọng trách được giao, ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho Ông và phong hàm Trung tướng, Thiếu tướng cho một số cán bộ quân đội. Lúc này ông mới 37 tuổi. Ông là người được phong cấp hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta. Sau này, có nhà báo nước ngoài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa vào căn cứ và tiêu chí nào để phong cấp hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, Người trả lời: đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng.

Bốn là, ông dành phần lớn cuộc đời hoạt động của mình gắn bó với Quân đội

Nếu tính từ ngày Ông tổ chức thành lập, phụ trách Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (12-1944) đến ngày Ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh Quân đội (cuối năm 1979), Ông đã có 35 năm ở trong Quân đội với những chức vụ và cấp hàm cao nhất. Ông là người duy nhất đảm đương các chức danh, chức vụ cao nhất và liên tục về Đảng, chính quyền trong Quân đội. Đó là chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng Chỉ huy (đến 3-1949 đổi là Tổng tư lệnh); Tổng Chính uỷ, Bí thư Trung ương Quân uỷ, Tổng Quân uỷ (đến 1-1961 đổi là Quân uỷ Trung ương) trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Các đồng chí đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau Ông không đảm nhiệm chức Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và chỉ là Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương (có một thời gian gọi là Đảng uỷ Quân sự Trung ương).

Là người đảm trách công tác quân sự, quốc phòng trong quân đội hàng chục năm, Ông là người góp công lớn trong việc xây dựng Quân đội lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; xây dựng Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và các cục, cơ quan trực thuộc; xây dựng các binh chủng, quân chủng, quân khu, quân đoàn, binh đoàn, học viện, viện nghiên cứu, nhà trường; Bộ đội biên phòng. Đặc biệt, Ông trực tiếp tham mưu với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng hai tuyến vận tải chiến lược trên bộ và trên biển chi viện hiệu quả, to lớn cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn (còn có tên gọi là Đoàn 559, Đường Hồ Chí Minh) và tuyến vận tải 759 trên biển (còn gọi là Đường Hồ Chí Minh trên biển).

Không chỉ là người lãnh đạo, chỉ huy Quân đội cao nhất, Ông còn là vị tướng trực tiếp cầm quân ra trận. Ông tham gia làm Chỉ huy trưởng (Tư lệnh) và Bí thư Đảng uỷ tất cả các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là Chiến dịch phản công Việt Bắc (7/10 – 19/12/1947); Chiến dịch tiến công Biên Giới (16/9 – 14/10/1950); Chiến dịch Trung Du (còn gọi là Chiến dịch Trần Hưng Đạo, 12/1950 – 1/1951); Chiến dịch Đường 18 (còn gọi là Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, 3-4/1951); Chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là Chiến dịch Quang Trung, 5-6/1951); Chiến dịch tiến công Hoà Bình (10/12/1951 – 25/2/1952); Chiến dịch tiến công Tây Bắc (14/10 – 10/12/1952); Chiến dịch Thượng Lào (12/4 – 6/5/1953) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 – 7/5/1954).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy không trực tiếp làm Tư lệnh các chiến dịch quân sự, nhưng với vai trò, vị trí của mình, Ông đã trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch, cuộc tiến công chiến lược, tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam và triển khai thế trận chiến tranh nhân dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, bảo vệ miền Bắc, chi viện đắc lực cho miền Nam chiến đấu. Những công lao, đóng góp của Ông trong xây dựng Quân đội lớn mạnh, trưởng thành được cán bộ, chiến sĩ ghi nhận, đánh giá cao và tôn vinh là “Người Anh Cả của Quân đội”.

Năm là, Ông là vị tướng đã đương đầu và đánh thắng tất cả các thế lực thực dân, phát xít, đế quốc, phản động quốc tế xâm lược và có mặt ở Việt Nam

Là người không được đào tạo cơ bản về quân sự nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có tài năng thiên bẩm về lĩnh vực này. Là người ham thích lịch sử, lại là thầy giáo dạy môn sử ở Trường tư thục Thăng Long, Ông đã tích lũy nhiều tri thức về lịch sử, nhất là về lịch sử quân sự trong nước và trên thế giới, có hiểu biết sâu sắc về nhiều vị tướng tài quân sự của Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung Nguyễn Huệ… và thế giới như Napoleon (Pháp), Cutudốp (Nga). Ông đã kế thừa xuất sắc, vận dụng sáng tạo truyền thống chống giặc ngoại xâm oai hùng của dân tộc, được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện, được các cán bộ, chiến sĩ dưới quyền và nhân dân đồng lòng, giúp đỡ, ủng hộ, che chở, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xây dựng và triển khai thực hiện thắng lợi Học thuyết về chiến tranh nhân dân, Học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó chính là cẩm nang quân sự độc đáo, là cơ sở vững chắc đảm bảo cho chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược như thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, quân đội Campuchia Dân chủ của tập đoàn Pôn pốt – Iêng Xary, quân đội Trung Quốc.

Sáu là, không chỉ là nhà quân sự kiệt xuất, Ông còn là nhà chiến lược, là tác giả của nhiều luận văn về quân sự, chính trị, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ đầu những năm 1940, ông đã tham gia soạn các bài giảng và lên lớp cho các lớp huấn luyện quân chính. Các tài liệu đó sau này được tập hợp in thành cuốn Con đường giải phóng. Ông biên soạn cuốn sách Công tác chính trị trong quân đội cách mạng.Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ông viết các cuốn Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân (1961); Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân (1970); Mấy bài giảng về đường lối quân sự của Đảng (1974). Đặc biệt, Tổng tập Hồi ký, tập hợp sáu cuốn sách của Ông gồm: Từ nhân dân mà ra; Những năm tháng không thể nào quên; Chiến đấu trong vòng vây; Đường tới Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử; Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, được coi là bộ biên niên sử qua các thời kỳ chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội có được nhiều thời gian nhất được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người giáo dục và rèn luyện. Đại tướng cũng là một trong những người chịu nhiều ảnh hưởng nhất và học hỏi được nhiều điều về tư tưởng, ý chí, phong cách, đạo đức, lối sống của Người. Chính vì thế, Ông đã có nhiều bài viết sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về Hồ Chí Minh, là người  tổng kết, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng nền móng bộ môn khoa học nghiên cứu về Hồ Chí Minh (Hồ Chí Minh học). Ông đã viết ba chuyên luận: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam; Thế giới đổi thay – Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi; Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng, coi đó là phương châm sống, luôn đặt lợi ích chung lên trên hết và Đạo của người làm tướng: Trí – Nhân – Dũng – Tín – Liêm – Trung, coi đó là kim chỉ nam cho hành động.

Bảy là, ngoài lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn tỏ rõ tài năng xuất sắc trên nhiều lĩnh vực

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật năm 1937, Ông tham gia tích cực vào lĩnh vực báo chí. Ông là biên tập viên nhiều tờ báo của Đảng và báo chí tiến bộ bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp như Tiếng dân, Lao động (Le Travail), Tiếng nói của chúng ta (Notre Voix), Tiến lên, Tập hợp, Thời báo, Tin tức… Ông được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban báo chí Bắc Kỳ của Phong trào Đông Dương đại hội (4-1937) khi mới 26 tuổi. Cũng trong năm này, ông cùng với Trường Chinh xuất bản cuốn Vấn đề dân cày dưới các bút danh là Qua Ninh, Vân Đình. Tác phẩm này có giá trị lớn về lý luận, làm cơ sở cho việc chỉ đạo thực tiễn công tác nông dân của Đảng. Tác phẩm này cũng cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc của Ông về giai cấp đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam.

Năm 1939, Ông trở thành giáo viên dạy Lịch sử ở trường tư thục Thăng Long. Tài năng và nhiệt huyết của một nhà giáo có dịp được bộc lộ.  Trong tác phẩm “Gọng kềm lịch sử”, tác giả Bùi Diễm, nguyên là Đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Mỹ, đã viết về người thầy dạy lịch sử của mình như sau: “Cách dạy của ông Giáp đặc biệt đến nỗi đã 45 năm sau mà tôi vẫn còn nhớ rõ cách trình bày cùng những đề tài mà ông nêu ra: Chi tiết diễn tả những cảnh sa đoạ của Marie Antoinette, quan niệm về nhân quả, công bằng của xã hội; Công xã Ba Lê; và số phận của Danton cùng Robespierre.

Trong khi giảng bài, ông Giáp tỏ ra hết sức ngưỡng mộ những lãnh tụ cách mạng. Ông giảng sử không phải chỉ bằng giọng đơn thuần của một sử gia mà bằng những cung cách thiết tha của một người nhiệt tâm bênh vực cách mạng. Những bài giảng của ông về Napoleon còn ly kỳ hơn nữa. Đứng trước bảng đen, ông bước đi bước lại theo từng lời giảng tường tận về các chiến dịch do Napoleon đề ra. Từng trận đánh, ngay cả những trận đụng độ thật nhỏ mà ông vẫn giảng giải cực kỳ cặn kẽ toàn thể mọi biến chuyển, dẫn đến các chiến thuật và chiến lược cuối cùng. Ông Giáp nhớ như in tất cả. Ông đã học sử đến nỗi sử biến thành một phần chính con người ông. Tất cả các vấn đề dính dáng đến sử đối với ông đều phải khúc triết, rành mạch…Ông phục Danton và Robespierre. Ông ngưỡng mộ Napoleon. Những bài giảng của ông về Napoleon cứ lan man dường như chẳng bao giờ dứt…”

Sau khi Nhà nước dân chủ cộng hoà non trẻ được thành lập cuối năm 1945, đầu năm 1946, do hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt về kinh tế, xã hội, thù trong, giặc ngoài ra sức chống phá, mặc dù là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhưng ông còn được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công cả công tác ngoại giao. Ông đã chủ động gặp Phái bộ Mỹ, gặp đại diện của Pháp ở miền Bắc Đông Dương là Jean Sainteny, gặp các sĩ quan chỉ huy Quân đội Trung Hoa Dân quốc đang ở miền Bắc dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật đầu hàng… để tìm hiểu, nắm ý đồ, hành động của các đối tượng này để giúp Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương, biện pháp đối phó phù hợp, hiệu quả.

Khi Trung Hoa Dân quốc thoả thuận ký với Pháp Hiệp ước Hoa – Pháp (28-2-1946) để cho quân Pháp thay chân ở miền Bắc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, Ông đã tích cực đàm phán với phía Pháp, góp phần quan trọng vào việc ký Hiệp định Sơ bộ giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với đại diện Chính phủ Pháp ngày 6-3-1946. Điều đặc biệt là Ông đã góp phần đàm phán, ký Phụ lục về quân sự kèm theo Hiệp định Sơ bộ, hạn chế số quân Pháp được phép vào miền Bắc, số lượng quân Pháp được đóng ở các địa phương và thời hạn quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc…

Cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc kéo dài 30 năm (1945-1975) kết thúc thắng lợi. Năm 1980, Ông chuyển công tác ra khỏi quân đội, tiếp tục đảm đương chức vụ Phó Thủ tướng (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), phụ trách khoa học, kỹ thuật. Trên cương vị mới, Ông tiếp tục có những đóng góp quan trọng, chỉ đạo công tác khoa học, kỹ thuật phát triển trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn sau chiến tranh. Ông đã chỉ đạo xây dựng chiến lược biển Việt Nam; quan tâm đến vấn đề cải tạo và bảo vệ môi trường, trồng cây, gây rừng. Một câu chuyện tôi muốn kể ra liên quan đến mối quan tâm của Ông gắn sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tôi quen biết một người làm doanh nghiệp. Anh tên là Phạm Hồng Điệp, người Hải Phòng.

Năm 2008, khi bắt tay xây dựng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, anh Điệp chủ trương phải gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Anh gửi đề án về vấn đề trên tham gia cuộc thi về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Đề án của anh đạt giải nhất. Biết được thông tin trên, Đại tướng viết thư động viên và mời anh lên Hà Nội gặp. Cuộc gặp, trò chuyện kéo dài tới gần 2 tiếng đồng hồ, vượt quá nhiều lần thời gian các cuộc tiếp khách khác của Đại tướng, thường chỉ kéo dài 15 phút để giữ sức khoẻ cho Ông. Đại tướng đánh giá cao ý tưởng và động viên anh Điệp cùng các đồng sự tiếp tục đi tiên phong trong hướng đi này. Đến năm 2010, mặc dù lúc này đã 99 tuổi, Đại tướng vẫn quan tâm theo dõi và gửi thư động viên, đồng thời tặng cho anh Điệp một cây đa trồng trong vườn nhà.

Sau 11 năm, cây đa vẫn phát triển xanh tốt tại Khu công nghiệp. Để tỏ lòng tri ân và ngưỡng mộ vị tướng huyền thoại, doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã quyết định: xây dựng Vườn Kỷ vật, Đền thờ Đại tướng; trân trọng khắc đá bức thư của Đại tướng; phát động trồng 1 triệu cây xanh trong Khu công nghiệp. Năm 2021, nhân kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 110 năm Ngày sinh của Đại tướng và 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, doanh nhân Phạm Hồng Điệp cùng các cộng sự quyết định cấy ghép gốc đa của Đại tướng tặng với 37 cây đa khác với ý tưởng ghi nhớ sự kiện Ông được phong cấp hàm Đại tướng năm 37 tuổi. Điều đặc biệt nữa là 37 cây đa nói trên được trồng trong khuôn viên diện tích 1300 mét vuông, đó cũng là Sa hình chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi Đại tướng đã trở thành huyền thoại.

Trong Sa hình này có đủ các vị trí, địa danh quan trọng của trận Điện Biên Phủ như Sở chỉ huy chiến dịch, vị trí đóng quân của các đơn vị quân ta từ cấp trung đoàn trở lên, trận địa pháo mặt đất, pháo phòng không, sông Nậm Rốm, cầu Mường Thanh; phía Pháp có hầm chỉ huy của tướng De Castries, các sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm, các cứ điểm như Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, A1, C1, C2, đồi D, đồi E…, bản đồ chiến dịch, bức phù điêu ảnh Đại tướng sau chiến thắng. Tất cả đều được sử dụng chất liệu đá để bảo tồn lâu dài. Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã thực hiện sự kết hợp “3 trong 1” tại Khu công nghiệp, đó là gắn sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường và lấy lịch sử làm nền tảng để giáo dục, tuyên truyền ý thức cộng đồng. Đây là Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên trong cả nước làm theo chỉ dẫn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách thành công.

Tám là, Ông là vị Đại tướng của nhân dân, được thế giới tôn vinh và kính trọng

Thật hiếm có một nhân vật nào khi còn sống đã được người dân tôn vinh như một huyền thoại. Tài năng, đạo đức, tác phong của Ông trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày trở thành hình mẫu cho mọi tầng lớp nhân dân học tập, noi theo. Ông luôn tỏ ra khiêm nhường, kiên nhẫn để tìm ra cách giải quyết tốt nhất trong mọi việc. Là người chỉ huy, nắm giữ trọng trách cao nhất, nhưng Ông luôn giữ nguyên tắc tập trung, dân chủ, nhất là dân chủ quân sự, luôn lắng nghe mọi ý kiến, kể cả ý kiến trái chiều, sau đó suy nghĩ và đưa ra quyết định của mình (cuộc họp bất thường của Đảng uỷ Mặt trận Điện Biên Phủ sáng ngày 26-1-1954, trước giờ nổ súng mở màn chiến dịch mấy tiếng đồng hồ, có nhiều tranh luận trái chiều, nhưng với quyết định cuối cùng của Ông: thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ Đánh nhanh, giải quyết nhanh sang Đánh chắc, tiến chắc, hoãn nổ súng, kéo quân ra, kéo pháo ra để chuẩn bị thêm, đảm bảo chắc thắng, đã góp phần quan trọng quyết định vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ – là một ví dụ tiêu biểu về dân chủ quân sự).

Nếu trong Quân đội, Ông là Người Anh Cả, là một vị tướng quý từng giọt máu của mỗi chiến sĩ, là Chính uỷ của các Chính uỷ, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng, thì với nhân dân, Ông là vị tướng trong lòng dân. Sau khi nghỉ công tác, mặc dù vẫn rất bận, nhưng Ông luôn dành thời gian đón tiếp các tầng lớp nhân dân. Cánh cổng số nhà 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội luôn rộng mở đón các cựu chiến binh, đồng bào các dân tộc vùng căn cứ cách mạng cũ, người dân quê hương Quảng Bình, các đơn vị, cơ quan, các doanh nghiệp, các trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, các cháu thiếu nhi trên mọi miền đất nước với thái độ chân tình, thân mật, gần gũi của người chủ nhân. Giữa Ông và khách đến thăm không hề có sự xa cách. Ai cũng muốn được ở gần Ông, được ngắm nhìn, bắt tay, nói chuyện với Ông thật lâu để thoả lòng mong ước.

Tin Ông qua đời (4-10-2013) gây nên sự bàng hoàng, tiếc nuối sâu sắc không chỉ đối với người dân Việt Nam mà với cả nhiều người trên thế giới biết Ông. Lễ tang của Ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội tổ chức trang trọng, là dịp để người dân cả nước thể hiện sự tri ân, nhớ thương một CON NGƯỜI bình dị đã cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Ông đã sống một cuộc đời thật có ý nghĩa, được dân tin, dân yêu và thương nhớ. Tôi rất thích và thấm thía đôi câu đối của một nhà giáo đã kính tặng Ông, đúc kết đầy đủ cuộc đời của một vĩ nhân: Văn lo vận nước Văn thành Võ – Võ thấu lòng dân Võ hoá Văn. Nhà nghiên cứu văn hoá Vũ Khiêu cũng kính tặng Đại tướng đôi câu đối nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Ông: Võ công truyền quốc sử – Văn đức quán nhân tâm. Đại tướng là danh từ chỉ một cấp bậc trong hệ thống cấp bậc quân sự nói chung, nhưng với Ông, người dân khi nói chuyện với nhau, chỉ cần nóí hai từ Đại tướng là người đối thoại đã hiểu là nói về Võ Nguyên Giáp. Đây là một điều rất đặc biệt.

Đối với thế giới, nói về cách mạng Việt Nam, người ta thường nói về hai con người: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Henry Navarre, bại tướng của Ông trong trận Điện Biên Phủ, sau này viết cuốn hồi ký Thời điểm của những sự thật, xuất bản tại Pháp năm 1979, Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức dịch và ấn hành năm 2001, đã viết về một trong những nguyên nhân Pháp thua ở Việt Nam, đại ý: Trong 9 năm chiến tranh (1945-1954), trong khi ở Pháp có tới 20 chính phủ thay nhau đổ, Pháp phải thay tới 7 Tổng chỉ huy và 8 Cao uỷ ở Đông Dương, thì phía Việt Nam chỉ có một lãnh tụ duy nhất về chính trị là Hồ Chí Minh và chỉ huy duy nhất về quân sự là Võ Nguyên Giáp.

Tướng Westmoreland, nguyên Tư lệnh quân Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam cho rẳng: ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh. Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Currey, trong cuốn sách xuất bản năm 1997, Chiến thắng bằng mọi giá (Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà xuất bản Trẻ và Thái Hà book dịch và ấn hành năm 2013), nhận xét: Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông vạch ra chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự đã giúp đất nước ông chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất”. Đạo diễn, nhà sản xuất phim người Anh Peter Macdonald đánh giá: Cuộc đời ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn nhất của tất cả các thời đại.

PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Viện Lịch sử Đảng

Bạn đang đọc bài viết Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021): Võ Nguyên Giáp – Vị Đại tướng của lịch sử và của nhân dân
tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT