web analytics

Ngành cá tra phát huy tiềm lực thị trường nội địa để vượt khó 16/10/2020

(KDTT) – Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, những tháng đầu năm 2020, tình hình xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ngành cá tra đã không ngừng nỗ lực tìm hướng đi, nhằm duy trì, phát triển ổn định cho ngành. Trong đó, việc khai thác tốt thị trường nội địa, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm cá tra trong nước được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hữu hiệu.

Tăng cường quảng bá và phân phối sản phẩm rộng khắp

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid.-19.

Mặc dù là sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), và là sản phẩm có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, song cá tra vẫn là thực phẩm còn xa lạ với người tiêu dùng ở nhiều vùng miền trong cả nước, đặc biệt là các vùng phía Bắc, miền trung Tây Nguyên… Điều này cho thấy, nếu làm tốt công tác quảng bá và phân phối sản phẩm thì có thể biến các vùng trên thành thị trường nội địa tiềm năng của ngành cá tra. Do vậy, việc tăng cường quảng bá và phát triển kênh phân phối các sản phẩm cá tra ở thị trường trong nước là rất cần thiết. Ngoài ra, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm cá tra tiện lợi cho việc chế biến, dễ bảo quản và vận chuyển sẽ góp phần giúp doanh nghiệp chế biến cá tra thuận lợi trong việc tiếp cận và chinh phục thị trường nội địa. Ðồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân biết rõ quy trình nuôi trồng, chế biến các sản phẩm cá tra, xóa bỏ những nhận thức chưa đúng.

Thị trường nội địa cho cá tra sẽ được khai thác tốt thông qua việc tạo dựng hình ảnh, thương hiệu, chất lượng của cá tra, các sản phẩm chế biến từ cá tra và sự yêu thích của người tiêu dùng trong nước và của khách du lịch đối với sản phẩm cá tra.

Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với dân số của nước ta hiện hơn 90 triệu người, đây là thị trường tiêu thụ rất tiềm năng đối với sản phẩm cá tra. Nếu chúng ta có các chương trình, chiến lược để khai thác tốt được thị trường nội địa sẽ góp phần tạo “cú hích” cho phát triển xuất khẩu.

Yêu cầu cần làm để phát huy tốt tiềm năng trên là đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều kênh bán hàng khác nhau, như: đưa vào các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp, quân đội… gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và quản lý tốt chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Đa dạng hóa sản phẩm và cách thức tiếp cận khách hàng

Sản phẩm cá tra được chế biến đa dạng.

Hiện nay, tại địa phương sản xuất cá tra, các cơ quan chức năng luôn tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa. Những hội chợ và các chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức gần đây, các cơ quan chức năng tại vùng ÐBSCL và cả các bộ, ngành ở Trung ương đều quan tâm tạo điều kiện các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều người dân và doanh nghiệp nuôi trồng chế biến cá tra xuất khẩu tại ÐBSCL không chỉ quan tâm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm cá tra tươi sống mà còn đưa ra thị trường ngày càng đa dạng các sản phẩm chế biến. Ðến nay, ngoài các sản phẩm cá tra tươi sống, cá tra phi lê đông lạnh và chả cá tra, các doanh nghiệp cũng cho ra đời các loại khô cá tra, mắm cá tra, các sản phẩm thịt và da cá tra sấy ăn liền…

Tại TP Cần Thơ, bên cạnh việc tăng cường lượng cá tra đưa về bán tại các chợ, nhiều người dân, hộ kinh doanh đã mở thêm các điểm bán cá tra dọc theo các tuyến đường lộ giao thông, với mức niêm yết giá bán chỉ ở mức 28.000-30.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm phát triển các sản phẩm chế biến và món ăn ngon từ con cá tra để đưa vào các hệ thống kinh doanh, nhất là các siêu thị và bếp ăn tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn để phục vụ người tiêu dùng. Ông Chương Văn Khanh ở khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Mỗi tháng cơ sở chế biến của ông thu mua trên 1 tấn cá tra để làm khô và mắm, qua đó vừa góp phần giúp người nuôi cá tra tiêu thụ sản phẩm, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Cá tra sau khi làm thành mắm được bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg, còn khô cá tra có giá từ 140.000-160.000 đồng/kg”.

Vừa qua, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp, Công ty CP Vĩnh Hoàn giới thiệu gần 20 sản phẩm chế biến từ cá tra và basa hướng đến phục vụ thị trường trong nước như: basa tẩm bột, chả lụa, sốt tartar, chabokki sốt cay, basa xẻ bướm tẩm gia vị… Ðây là các sản phẩm rất tiện dụng và giàu dinh dưỡng, với chất lượng đạt chuẩn hàng xuất khẩu. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vĩnh Hoàn, bình quân mỗi năm công ty sản xuất chế biến trên 300.000 tấn cá tra và đã xuất khẩu sản phẩm qua gần 40 nước trên thế giới.

Trong quá trình nuôi cá tra xuất khẩu, Công ty Minh Ðức Thành ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cũng quan tâm phát triển các sản phẩm giúp nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh tiêu thụ cá ở thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu các quán ăn và gia đình. Ðến nay, công ty đã chế biến nhiều sản phẩm cá tra mang thương hiệu Kocana phục vụ tiêu thụ tại nội địa như: cá tươi sống, khô 1 nắng, phi lê sấy khô, khô tẩm sấy ăn liền… Ðồng thời, liên kết, cung ứng cá tra cho các bếp ăn tại nhà hàng, khu du lịch để chế biến nhiều món ngon phục vụ thực khách.

MINH LONG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT