web analytics

Tiền ảo ở Việt Nam: Kiểm soát chặt, không để người dân lâm vào “mê trận” 08/09/2020

(KDTT) – Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đang từng bước thay đổi thế giới tiền tệ, nổi bật trong đó là các loại tiền ảo hay còn được gọi là tiền điện tử/tiền kỹ thuật số. Có thể chứng kiến sự “trồi lên sụt xuống” rõ ràng về giá của Bitcoin (một loại tiền ảo) trên thế giới, mà một trong những yếu tố đẩy giá Bitcoin lên cao là do sự bất ổn về kinh tế gây nên bởi đại dịch Covid-19. Với sự phát triển và biến động không ngừng, tiền ảo đã trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn, xuất hiện trong nhiều danh mục của các nhà đầu tư. Tuy nhiên tại Việt Nam, khi chưa có khung pháp lý quy định, đã xuất hiện nhiều đường dây lôi kéo tham gia đầu tư tiền ảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Người chơi bị “hút máu” bởi hình thức đầu tư đơn giản, được cam kết “mạnh miệng” với lãi suất cực cao (90% – 120%/tháng).

Thực tế, một điều chắc chắn, không có hình thức đầu tư nào mà lãi suất cao như những lời cam kết ấy. Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Đồng – Văn phòng Luật sư Hồng Giang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) để làm rõ về bản chất cũng như khung pháp lý của tiền ảo.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng – Văn phòng Luật sư Hồng Giang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

PV:  Tiền ảo lợi dụng mô hình đa cấp biến tướng để huy động đầu tư vào tiền ảo vốn chưa được pháp luật Việt Nam cho phép. Vậy, theo Luật sư, chúng ta nên có cái nhìn như thế nào về sự xuất hiện, giao dịch và xây dựng hệ thống nhằm kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam hiện nay?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Để có cái nhìn và đánh giá chính xác về tính hợp pháp về sự xuất hiện, giao dịch và xây dựng hệ thống nhằm kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam trước hết chúng ta phải hiểu được khái niệm về tiền ảo; những quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay đối với tiền ảo và các giao dịch có liên quan đến tiền ảo.

Tiền ảo là loại tiền không có hình dạng vật lý cụ thể, nó không thể cầm, nắm, không có giá trị thực và được tạo ra trong môi trường điện tử. Theo định nghĩa của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì “Tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không được điều chỉnh bởi ngân hàng Trung ương; được ban hành và kiểm soát bởi nhà phát triển và được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của cộng đồng ảo nhất định”.

Tại Việt Nam, theo Điều 105 BLDS năm 2015 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Từ căn cứ trên cho thấy tiền ảo không phải là tiền Việt Nam vì nó không thỏa mãn các dấu hiệu để được xác định là tiền và không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành; do đó tiền ảo không phải là tài sản, cũng không phải là một dạng “quyền tài sản” do đó không thể đem giao dịch.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật tín dụng – ngân hàng thì tiền ảo không phải là một loại tiền và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán, thì phương tiện thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tại khoản 7 Điều 4 cũng quy định: phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 điều này. Như vậy, theo quy định trên thì việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là bất hợp pháp tại Việt Nam, bởi tiền ảo không phải là Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng. Đồng thời, theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 6 Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và điểm a Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 thì: “Tiền ảo không phải là một trong các loại ngoại hối”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. (Ảnh: Minh họa)

.

Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngày 21/7/2017 NHNN Việt Nam đã có Công văn 5774/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về tiền ảo: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP”. Ngoài ra, tùy theo tính chất hậu quả gây ra thì người có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán tiền ảo còn có thể bị truy cứu TNHS theo Điều 206 BLHS về “tội vi phạm quy đinh về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Như vậy, có thể nói việc xuất hiện, giao dịch tiền ảo và việc xây dựng hệ thống nhằm kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam là hoạt động bất hợp pháp.

PVNhư vậy, việc kinh doanh, huy động vốn, xây dựng hệ thống của tiền ảo, xuất hiện rất nhiều các công ty tiền ảo đang ngang nhiên hoạt động là vi phạm pháp luật? 

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Như trên đã phân tích, tiền ảo hiện nay chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận, nên các hoạt động kinh doanh, huy động vốn, xây dựng hệ thống của tiền ảo là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên để xác định hành vi đó phải được xử lý về hành chính hoặc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn phụ thuộc vào tính chất của hành vi thực hiện, mức độ và hậu quả mà hành vi đó gây ra.

PVHiện nay, một số các công ty hoạt động đào tạo kinh doanh nhưng phía sau đó là lôi kéo người khác vào hệ thống kinh doanh tiền ảo? Điều này có vi phạm pháp luật không? Và nếu có sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp được pháp luật Việt Nam cho phép theo Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Các doanh nghiệp để được kinh doanh theo phương thức đa cấp phải tuân thủ chặt chẽ về điều kiện và phương thức hoạt động. Nhưng, như chúng ta đã biết, luật pháp Việt Nam không công nhận đồng “tiền ảo” là một loại hàng hóa hay dịch vụ; không chấp nhận “tiền ảo” là một trong các phương tiện thanh toán. Vì vậy, việc một số các công ty không phải là tổ chức tín dụng, không có chức năng hoạt động ngân hàng tổ chức các hoạt động đào tạo kinh doanh nhưng phía sau đó là lôi kéo người khác vào hệ thống kinh doanh tiền ảo thì hành vi đó làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý của Nhà nước trong hoạt động ngân hàng; ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nó là hành vi vi phạm pháp luật; nó có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo và tùy theo tính chất, diễn biến hành vi và hậu quả có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về các tội, “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”….

Các nhà đầu tư căng băng rôn trước Công ty Modern Tech tố cáo bị lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng hồi năm 2018. (Ảnh: Dân Việt)

PVTheo Luật sư, tại sao các hoạt động đa cấp tiền ảo vẫn nhộn nhịp hoạt động, thu hút đông người tham gia, kể cả khi nhiều người bị lừa đảo, rơi vào cảnh trắng tay?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Hoạt động đa cấp tiền ảo vốn không phải là phương thức mới, đã từng khiến nhiều người vướng vào vòng lao lý và bị mất tiền, song nó vẫn thu hút nhiều người tham gia bởi:

Thứ nhất, đó là sự thiếu hiểu biết về kiến thức tài chính của đại bộ phận đông đảo người dân khi tham gia đầu tư vào “tiền ảo”;

Thứ hai, những kẻ lừa đảo đã đánh vào sự hám lợi, bởi lòng tham của người tham gia, những kẻ lừa đảo đã dụ dỗ những nhà đầu tư cả tin bằng những cam kết về các khoản lợi nhuận béo bở và được đảm bảo; rằng người tham gia chỉ phải bỏ ra một số tiền không quá lớn và thậm chí không phải làm gì nhưng vẫn được hưởng lợi nhuận, trả lãi suất cao (nhiều trường hợp được cam kết trả lãi đến 50%/ tháng), thậm chí bỏ vốn càng cao và/hoặc lôi kéo được càng nhiều người tham gia thì càng được hưởng lợi lớn nên đã khiến cho nhiều người bị đánh lừa. Thực tế một số người khi tham gia sau một thời gian ngắn được trả lãi (thực nhận), nên lại lôi kéo, rủ rê người thân, bạn bè tham gia. Thậm chí nhiều người đi vay tiền để tham gia hòng hưởng lợi nhuận, lãi suất cao.

PV: Vậy người dân cần làm gì trước “mê trận” tiền ảo?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Tiền ảo hiện tại không được pháp luật thừa nhận. Hoạt động kinh doanh đa cấp “tiền ảo” không phải là hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra giá trị nên bản thân nó không tạo ra lợi nhuận. Bản chất của hoạt động này là huy động vốn của người sau trả cho người trước và tự định ra giá trị để chuyển nhượng trong một nhóm người chơi. Chủ thể đứng ra tổ chức thường từ các phần tử nước ngoài, tạo các trang mạng bất hợp pháp để lôi kéo người chơi, sau khi huy động được số lượng tiền lớn thì chúng sẽ đánh sập trang và mất dấu. Hành vi rất khó xác định xử lý và thiệt hại xảy ra rất khó thu hồi được, nên khuyến cáo mọi người cảnh giác, không vì lòng tham mà bỏ tiền vào các hình thức đa cấp tiền ảo để tránh “tán gia bại sản”.

Xin cảm ơn Luật sư!

MINH HẠ (thực hiện)