web analytics

Hàm lượng CO2 lên mức cao nhất trong lịch sử 11/06/2020

(KDTT) – Các nhà khoa học từ Viện Hải dương học NOAA và Scripps tại Đại học California, San Diego (Mỹ) đã công bố lượng khí carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đo được tại Đài thiên văn Mauna Loa đạt mức cao nhất theo mùa là 417,1 phần triệu (ppm) vào tháng 5/2020. Được biết đây mức cao nhất trên Trái đất trong 3 triệu năm qua.

Nồng độ CO2 trong khí quyển đã đạt mức 417 ppm khi được đo tại Đài thiên văn Mauna Loa của Hawaii, đây là nơi đo CO2 trong khí quyển kể từ năm 1958. Với số liệu này, cứ 1 triệu phân tử khí trong khí quyển, thì có tới 417 phân tử carbon dioxide.

Nồng độ CO2 trong khí quyển đo được tại đài thiên văn Mauna Loa. (Ảnh: Forbes)

Nồng độ CO2 vượt quá 400 ppm lần đầu tiên là vào năm 2013. Trước năm 1800, nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển khoảng 280 ppm. Tháng 5/2019, con số này đã ở mức 414,7. Điều này thể hiện ảnh hưởng của khí thải nhân tạo kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

Lần cuối cùng CO2 trong khí quyển ở mức cao này, mực nước biển cao hơn 50-80 feet so với hiện nay và ấm hơn 3,6 ° F – 5,4 ° F so với nhiệt độ trước công nghiệp.

Nồng độ CO2 tăng lên trong khí quyển chủ yếu là từ hai nguyên nhân, khí thải của con người từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và phun trào núi lửa.

Biểu đồ hiển thị CO2 qua các năm. (Ảnh: Forbes)

Trong khi các vụ phun trào núi lửa trước đây là lí do của việc tăng CO2 trong khí quyển và là nguyên nhân làm Trái đất nóng lên, đến thời kỳ hiện đại, hiện tượng này chủ yếu do sử dụng nguyên liệu hóa thạch.

Các biện pháp phong tỏa trên khắp thế giới do dịch Covid-19 đã giúp giảm tạm thời lượng khí thải CO2 khoảng 17% theo ước tính. Tuy nhiên, thời gian ngắn ngủi này không đủ để thay đổi quá trình CO2 tăng lên mỗi năm trên Trái đất.

Nikoler Tans – nhà khoa học cao cấp của Phòng thí nghiệm giám sát toàn cầu thuộc NOAA cho biết, mức độ gia tăng của khí nhà kính đang làm nóng bề mặt Trái đất, làm tan băng và gia tăng mực nước biển. “Nếu chúng ta không ngăn được khí nhà kính tăng cao, đặc biệt là khí CO2, các khu vực rộng lớn trên hành tinh cũng sẽ không thể ở được nữa”.

Theo KDPT