Gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả nợ

FiinRatings vừa có báo cáo phân tích tình hình chậm trả trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, tính đến ngày 17/3/2023, có 69 tổ chức phát hành (TCPH) có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang lưu hành. Cụ thể, có 65 TCPH vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 TCPH có TPDN đến hạn nhưng đã được tái cơ cấu nợ.

Trong đó, có 43 TCPH là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị TPDN chậm trả nợ ở mức 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá TPDN của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

Theo số liệu từ FiinRatings, tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ vay của 69 TCPH là 233.700 tỷ đồng trong đó tổng giá trị TPDN đang lưu hành ở mức 169.700 tỷ đồng và phần còn lại 64.000 tỷ là vay tín dụng ngân hàng và nợ khác.

Trái phiếu đã ở tình huống chậm trả chiếm 37% tổng giá trị TPDN đang lưu hành ở mức 169.717 tỷ đồng của các doanh nghiệp này. Phần trái phiếu còn lại chưa đến hạn thanh toán là 75.286 tỷ và có kỳ đáo hạn chủ yếu vào năm 2023 (ước tính 30.200 nghìn tỷ) và 2024 (ước tính 21.900 nghìn tỷ).

Về cơ cấu TPDN chậm trả theo ngành, FiinRatings cho biết, ngành bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17% cao thứ hai sau ngành năng lượng. Tuy nhiên, ngành bất động sản có quy mô lưu hành lớn nhất ở mức 396.300 tỷ, chiếm 33,8% tổng giá trị lưu hành. Thực tế, trong tổng số 69 TCPH chậm trả nợ TPDN thì số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%.

Trong khi đó, ngành năng lượng mặc dù có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức cao nhất, lên tới 63,1% nhưng ở quy mô rất nhỏ và có tính tập trung vào một số ít doanh nghiệp, chiếm 0,3% tổng giá trị trái phiếu lưu hành.

Đáng chú ý, FiinRatings cho biết, đòn bẩy tài chính của 33 TCPH bất động sản chậm trả đã tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên, tài sản hữu hình – thường là tài sản sinh lời của các công ty bất động sản có mức tăng khiêm tốn từ 25.000 tỷ đồng (2017) lên 33.000 tỷ đồng (2021).

Gần 400.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đang lưu hành

Ngoài việc có gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản, FiinRatings cũng cho biết, lượng trái phiếu bất động sản chiếm 34% tổng TPDN toàn thị trường đang lưu hành.

Cụ thể, số liệu từ FiinRatings cho thấy, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ hiện ở mức 1,15 triệu tỷ đồng tính theo giá trị lưu hành tại thời điểm 08/03/2023. Trong đó, trái phiếu của các tổ chức phát hành phi ngân hàng là 788.900 tỷ đồng và “bank-bond” (lượng trái phiếu doanh nghiệp được các ngân hàng nắm giữ) ở mức 368 nghìn tỷ.

Trong cơ cấu của trái phiếu phi ngân hàng 788.900 tỷ đồng thì trái phiếu bất động sản có giá trị 396.300 tỷ, tức chiếm khoảng 50% tổng giá trị trái phiếu phi ngân hàng và 34% tổng TPDN toàn thị trường đang lưu hành. Lĩnh vực khác, Thương mại & Dịch vụ và Xây dựng đóng góp lần lượt 11%, 9%, và 8% giá trị dư nợ.

Có thể thấy, so với tháng 3/2022 với 17,53 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành riêng lẻ được ghi nhận, hoạt động phát hành TPDN của nhóm ngành này đã giảm 97,1% về quy mô phát hành và chưa thể phục hồi dù đã bước sang năm 2023, đặc biệt là ở giai đoạn tháng 10/2022 – 2/2023. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ các vụ việc vi phạm phát hành trái phiếu, chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, mặt bằng lãi suất gia tăng và ban hành Nghị định 65 về phát hành riêng lẻ, khiến chi phí vốn giá tăng và quy trình huy động vốn TPDN cho hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn trước.

FiinRatings cho rằng việc tiếp diễn tình trạng trên có thể đẩy thêm nhiều doanh nghiệp, tập trung nhiều ở lĩnh vực bất động sản, chậm thanh toán nghĩa vụ nợ cho các trái chủ trong giai đoạn quý 2 – quý 3/2023 – đỉnh điểm đáo hạn TPDN của ngành này.

Tuy nhiên, với việc Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý cũng như hoạt động triển khai và mở bán dần được khôi phục.