Sau khi đón khách tại văn phòng, các xe Mai Linh Willer chạy thẳng ra cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ để đi về Thanh Hoá.

Anh Nguyễn Văn Hải (sinh sống tại phố Bùi Huy Bích) cho biết, ngày nào cũng có hàng chục ô tô của hãng Mai Linh Willer đón, trả khách và bốc xếp hàng hoá ở đây. Hoạt động này diễn từ đầu giờ sáng đến tối muộn gây mất an ninh trật tự, vi phạm quy định vận tải hành khách nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng đến xử lý.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định rất rõ đối với xe kinh doanh vận tải tuyến cố định là tuyến được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải đăng ký tuyến cố định, vào hoạt động tại 2 đầu bến.

Công khai bỏ bến chạy ngoài

Trao đổi với PV, đại diện bến xe Nước Ngầm cho hay: Hãng xe Mai Linh Willer đăng ký hàng chục lốt hoạt động thì hiện chỉ lác đác một vài xe vào bến. Đa phần các xe của hãng này đang hoạt động ở bên ngoài mà không có sự kiểm soát. Tình trạng xe bỏ bến diễn ra từ cuối năm 2021, nhưng thời gian gần đây diễn biến phức tạp.

Đối với tuyến Hà Nội – Thanh Hoá, ngoài hãng xe Mai Linh Willer, hiện các nhà xe khác như Vân Anh, Hoa Dũng, Minh Quý… cũng đã không vào bến Nước Ngầm, mà chủ yếu đón trả khách ở khu đô thị Pháp Vân, Đồng Tàu, hay một số điểm bến bãi gần bến xe…

“Điều này không chỉ làm mất ATGT, khó khăn trong quản lý phương tiện vận tải hành khách mà còn tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải với nhau. Bởi tình trạng lôi kéo hành khách ngoài bến xe sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các xe đón khách trong bến”, đại diện bến xe Nước Ngầm nói.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV, Đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, lực lượng thanh tra đã bố trí tăng cường tuần tra kiểm soát để xử lý xe khách vi phạm. Tại khu vực BX Nước Ngầm, Đội GTVT Cơ Động phối hợp với Công an quận Hoàng Mai, Phòng CSGT Hà Nội kiểm tra điều kiện phương tiện và người lái trước khi xuất bến. Với xe khách bỏ bến chạy dù sẽ bị lập biên bản và áp dụng biện pháp đình tài.

Đề cập đến hoạt động của hãng xe Mai Linh Willer, một lãnh đạo thuộc Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Thanh Hoá) cho biết đã nắm được thông tin các xe tuyến cố định bỏ bến chạy ngoài. “Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã có văn bản chấn chỉnh, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng theo quy định luồng tuyến, biểu đồ vận tải đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục phát hiện vi phạm, đơn vị sẽ mạnh tay xử lý”, vị này khẳng định.

Rà soát xe khách bỏ bến, thu phù hiệu xe ngừng kinh doanh vận tải

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện có 85 xe khách của gần 30 doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh vận tải đã đăng ký tuyến hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm kết nối với các địa phương nhưng không đưa xe vào hoạt động.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Vận tải Vân Anh có tới 40 nốt giờ đã đăng ký tuyến Bến xe Nước Ngầm – Bến xe phía Bắc Thanh Hóa nhưng không hoạt động; Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh có 2 nốt giờ tuyến Bến xe Nước Ngầm – Bến xe Hà Tĩnh; Công ty TNHH Long Thu có 4 nốt giờ tuyến Bến xe Nước Ngầm – Bến xe Quỳnh Côi (Thái Bình). Ngoài ra, đơn vị này còn có 2 nốt xe đăng ký tuyến Bến xe Nước Ngầm – Bến xe Bồng Tiến (Thái Bình) và Bến xe Nước Ngầm – Bến xe Hưng Hà (Thái Bình) nhưng cũng không đưa xe vào hoạt động…

Trước bất cập trên, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu cập nhật các nốt giờ do các đơn vị đã đăng ký thành các nốt giờ trống vào biểu đồ để công bố theo quy định.

Sở này cũng đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố, gồm: Đắk Lắk, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hóa phối hợp cập nhật các nốt giờ do các đơn vị không đưa xe vào hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm đồng thời rà soát các phương tiện không hoạt động kinh doanh vận tải để thu hồi phù hiệu đã cấp…