web analytics

Xây nhà bằng vật liệu xanh: Những điều cần biết 19/09/2019

(KDTT)- Vật liệu xây dựng không nung đáp ứng xu hướng xây dựng xanh nhưng vẫn chưa phổ biến bởi cơ chế kiểm soát chất lượng còn lỏng lẻo.

Mặc dù sử dụng gạch không nung trong xây dựng đang là xu hướng của cả thế giới nhưng nghịch lý tại Việt Nam là các nhà thầu không mấy mặn mà với loại vật liệu này. Thậm chí các chủ đầu tư (CĐT) dự án cho rằng Bộ Xây dựng chỉ nên khuyến khích sử dụng gạch không nung chứ không nên bắt buộc dùng như hiện nay. Ngoài ra, để chủ trương dùng vật liệu thân thiện với môi trường có hiệu quả thực sự thì rất cần có bộ quy chuẩn cho dạng vật liệu mới này để đảm bảo chất lượng, độ bền vững cho công trình.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Mục tiêu của việc sử dụng gạch không nung là để tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải. Vì vậy, Bộ Xây dựng có Thông tư 13/2017 quy định các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% tại Hà Nội và TP.HCM phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Các công trình xây dựng từ chín tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiều công trình, đại diện Công ty Himlam Land nhận định xu hướng xây dựng gạch không nung thân thiện môi trường là tất yếu. Tuy nhiên, điều đáng lo là quá trình sử dụng đôi khi vật liệu này vẫn biểu hiện một số nhược điểm như nứt, thấm nước. “Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất không quy định bắt buộc, tùy tình hình có thể cho phép dùng gạch nung để đảm bảo khâu bảo hành, kỹ thuật của dự án” – vị đại diện này nói.

Hiện có khá nhiều loại vật liệu xây dựng không nung được CĐT sử dụng như gạch bê tông khí chưng áp (AAC), gạch xi măng cốt liệu (gạch block), tấm tường gạch bê tông nhẹ (Onekin Green panel) đến tường thạch cao. Gạch sản xuất đúng chuẩn sẽ có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm cao. Với kích thước lớn (gấp 2-11 lần gạch nung) nên tiến độ thi công sẽ nhanh, lượng vữa chuyên dụng cần dùng giảm tới 2,5 lần so với gạch nung nên giảm được chi phí.

Đại diện một CĐT các dự án nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM cho biết đơn vị này rất thận trọng khi sử dụng vật liệu không nung bởi kỹ thuật thi công gạch này có những đòi hỏi riêng. Một số công trình áp dụng kỹ thuật sai khiến tường bị nứt nên tạo tâm lý e ngại cho CĐT.

Theo kinh nghiệm giám sát nhiều dự án chung cư lớn tại TP.HCM, kỹ sư xây dựng Phan Thiên Hưng cho biết bên cạnh nhiều ưu điểm thì vì có kích thước lớn nên gạch không nung có sự liên kết vật liệu kém hơn, dễ nứt, thấm tường. “Chính vì nhược điểm ấy nên nhà thầu vẫn thích dùng gạch nung quen thuộc hơn” – ông Hưng phân tích.

Sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu của xây dựng xanh.

Cần có khung kiểm soát chất lượng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định mục tiêu hướng đến xây dựng các công trình xanh là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, tại Việt Nam vấn đề còn lấn cấn chính là chất lượng gạch không nung vẫn chưa được kiểm soát chặt.

Công nghệ, kỹ thuật làm gạch còn hạn chế dẫn đến sản phẩm sử dụng trong thực tế thi công chưa đảm bảo được chất lượng công trình. Vì vậy, trước thực tế quy chuẩn cho loại gạch này còn chưa rõ ràng, hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng đối với những dự án chung cư cao tầng chỉ nên khuyến khích sử dụng vật liệu này chứ không nên bắt buộc. Hơn nữa, hiện có nhiều vật liệu xây dựng khác thân thiện môi trường, thi công nhanh, giảm chi phí và đảm bảo an toàn, chất lượng nên để CĐT tự mình lựa chọn.

Để các công trình xanh thực sự xanh và bền vững, ông Nguyễn Quốc Trung, giám đốc một công ty xây dựng tại TP.HCM, cho rằng phải có quy định phân loại gạch không nung chứ không thể nói chung chung là vật liệu xây dựng không nung. Lý do là gạch không nung có gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí…, có loại chịu nhiệt tốt, có loại chịu lực, khi thiết kế phải sử dụng đúng kỹ thuật, chức năng và mục đích. Vữa dùng cho loại gạch này cũng phải theo tính chất riêng vì gạch có độ hút nước cao, nếu dùng vữa thông thường khi trát sẽ bị hút nước, dẫn đến nứt cục bộ.

“Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cần có quy chuẩn về chất lượng đối với gạch không nung sử dụng xây dựng các công trình nhà ở cao tầng. Đồng thời, cơ quan quản lý cần kiểm tra, quản lý chặt tiêu chuẩn chất lượng các vật liệu không nung từ nguồn, các nhà máy sản xuất cho đến sản phẩm bán ra thị trường. Nguồn cung chưa đảm bảo chất lượng thì không nên quy định bắt buộc CĐT phải sử dụng” – ông Trung nhấn mạnh.

Cần đào tạo thợ riêng cho gạch không nung

Theo kỹ sư Phan Thiên Hưng, hiện nay các CĐT thường phải tự tìm, đặt hàng riêng từ nhà sản xuất gạch không nung vì nguồn cung trên thị trường khó kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, tay nghề của thợ xây dựng đã quen với việc sử dụng gạch nung từ lâu cùng những dụng cụ đơn giản trong khi thi công vật liệu không nung đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn. Người thợ cần có tay nghề tốt hơn và dụng cụ chuyên dụng. Thi công không đúng quy trình kỹ thuật thì tất yếu sản phẩm sẽ có lỗi, vật liệu mới cũng cần có đội ngũ “thợ mới” phù hợp.

Theo: plo.vn