web analytics

Xây dựng khung pháp lý cho Fintech 27/06/2019

(KDTT) – Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ tài chính (Fintech), tuy nhiên “hiện chưa có khuôn khổ pháp lý quy định cụ thể”. Do vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam nên ưu tiên tập trung xây dựng khung pháp lý để Fintech phát triển.

Giải pháp tối ưu để tiếp cận công nghệ mới

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Fintech đang tạo ra nhiều cơ hội. Giám đốc công nghệ của ZeroTech Lý Văn Bảo phân tích, hiện đã có khoảng 40 ngân hàng lớn trên thế giới, trong đó một nửa là ngân hàng trung ương đã ứng dụng Blockchain – một phần của Fintech. Việc ứng dụng Blockchain giúp các cơ quan giám sát (Ngân hàng Nhà nước) có lợi ích rất lớn, như mọi dấu vết đều không bị xóa, tạo cho ngân hàng trong sạch hơn; ngân hàng trung ương không cần thực hiện lệnh chuyển tiền xuyên ngân hàng song vẫn kiểm soát được; các định chế tài chính làm việc cũng cẩn thận hơn…

Cũng theo ông Bảo, trước đây, Fintech là đối thủ với các định chế tài chính. Song, hiện tại và trong tương lai, sự kết hợp giữa Fintech và các định chế tài chính sẽ là giải pháp tối ưu để định chế tài chính tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt công nghệ Blockchain. “Bản thân định chế tài chính có rất nhiều bài toán mà lời giải lơ lửng, nhờ Fintech có thể đưa ra lời giải nhanh hơn. Ngược lại, sự kết hợp này giúp các Fintech tiếp cận khách hàng và sử dụng danh tiếng của các định chế tài chính,  mở rộng bài toán nghiệp vụ, được hỗ trợ về các nghiệp vụ gián tiếp như quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật – vốn là vấn đề rất thiếu trong Fintech vì thường không có người và không có hệ thống để làm những việc này”, ông Bảo nói.

Tuy nhiên, Fintech cũng đặt ra nhiều rủi ro với khách hàng, ngân hàng và cơ quan quản lý. Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn phân tích, đối với khách hàng, “rủi ro lớn nhất là thông tin cá nhân và bảo mật thông tin tài chính”. Còn đối với các ngân hàng và cơ quan giám sát thì rủi ro là thay đổi chiến lược kinh doanh do công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới; rủi ro hoạt động do phụ thuộc vào bên thứ 3 cung cấp dịch vụ như dữ liệu; rủi ro không gian mạng và rủi ro tuân thủ trong trường hợp ngân hàng không bảo vệ được quyền lợi khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng theo yêu cầu của khuôn khổ pháp lý; rủi ro về rửa tiền đặt ra thách thức cho cơ quan quản lý là cần có biện pháp giám sát cẩn trọng…

Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tập trung xây dựng khung pháp lý cho Fintech

Cho phép thí điểm sản phẩm, dịch vụ

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng phát triển Fintech rất lớn song mức độ khai phá vẫn còn thấp. Hiện, số lượng công ty tăng gấp đôi lên gần 100 so với chỉ khoảng 60 công ty vào năm 2016. Thêm vào đó, nhiều công ty, doanh nghiệp lớn cũng đã quan tâm cho hoạt động khởi nghiệp. Dự báo giá trị giao dịch thị trường Fintech sẽ tăng từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Để Fintech phát triển, các chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý hoàn chỉnh là yêu cầu tiên quyết. Hiện đã có một số đề án vĩ mô và quy định về thanh toán điện tử như Đề án hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020… Song, “hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về Fintech”, ông Hà Huy Tuấn đánh giá. Theo đó, quy định về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm và dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech chưa rõ. Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, sản phẩm tài chính và bảo vệ thông tin cá nhân về mặt định hướng, nguyên tắc đã có nhưng chưa cụ thể hóa.

Dẫn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, như Hàn Quốc đã đưa ra nhiều đạo luật để Fintech hoạt động từ năm 2006, hay Singapore cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, thành lập các cơ quan chuyên trách về Fintech…, ông Tuấn cho rằng, có 4 bài học để Việt Nam tham khảo. Đó là xây dựng khung pháp lý thử nghiệm, cho phép công ty Fintech được thí điểm thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ trước khi cung ứng ra thị trường; xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với Fintech; phối hợp chặt chẽ cơ quan quản lý ngân hàng trung ương và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của khung khổ pháp lý; phối hợp với cộng đồng Fintech trong và ngoài nước.
Trong đó, ông Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam nên tập trung vấn đề pháp lý của Fintech. Cụ thể, ưu tiên xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm, có kiểm soát cho các công ty Fintech trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm; quy định đầy đủ sản phẩm và dịch vụ có liên quan; thiết lập các tiêu chuẩn của danh mục sản phẩm và dịch vụ; quy định cụ thể về điều kiện thành lập, các loại hình hoạt động của công ty startup Fintech, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, cần ban hành thống nhất các quy định pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật thông tin cá nhân và quy định về báo cáo đối với giao dịch liên quan. Đặc biệt, phải xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý giám sát tài chính thuộc 3 lĩnh vực ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm để phát hiện rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn. “Trước mắt, Việt Nam cần ưu tiên làm những việc này. Nếu làm được sẽ hỗ trợ rất lớn cho xã hội cũng như thị trường tài chính phát triển”, ông Tuấn tin tưởng.

Còn theo ông Lý Văn Bảo, các Fintech nhỏ cần kết hợp với nhau nhằm giải quyết bài toán thực tế của định chế tài chính để giảm chi phí, tối ưu hóa phục vụ khách hàng tốt hơn; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Nguồn KDPT