web analytics

Xây dựng cơ chế thử nghiệm Fintech có kiểm soát 05/06/2020

(KDTT) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Dự thảo Nghị định “Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ, tài chính trong lĩnh vực ngân hàng” (gọi tắt là Fintech).

Theo đơn vị chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định này, với việc phát triển nhanh chóng của Fintech, cơ quan quản lý tài chính của các quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quản lý, giám sát nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn thông tin cá nhân… Nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan quản lý tài chính trên thế giới là đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo của lĩnh vực ngân hàng trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, thời gian qua, việc xử lý đối với trường hợp Uber và Grab khi tham gia thị trường vận tải đã cho thấy bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng – tài chính về việc ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nếu không có hành lang pháp lý kịp thời. Do vậy, theo NHNN, Việt Nam cần sớm có một khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật… đồng thời là cơ sở để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiện nay các công ty cung ứng giải pháp Fintech tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 34 tổ chức trung gian thanh toán. Lĩnh vực P2P Lending có khoảng 40 công ty… Năm 2019 chứng kiến vốn đầu tư đột biến vào lĩnh vực Fintech tại Việt Nam với 400 triệu USD, chỉ đứng sau Singapore.

Ảnh minh họa.

Theo nội dung Dự thảo Nghị định, tổ chức Fintech là tổ chức không phải ngân hàng, được hình thành và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo Luật Doanh nghiệp 2014 và trực tiếp cung ứng một số dịch vụ ngân hàng dựa trên các giải pháp công nghệ tài chính hoặc cung ứng giải pháp công nghệ tài chính hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các lĩnh vực được tham gia Cơ chế thử nghiệm này bao gồm: Thanh toán; Tín dụng; Cho vay ngang hàng (P2P Lending); Hỗ trợ định danh khách hàng; Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); Các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain… và các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).

Tiêu chí để tham gia Cơ chế thử nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu như: Là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh; Là giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp Fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao góp phần mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính…

Thời gian để thực hiện Cơ chế thử nghiệm này là từ 1-2 năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech vẫn “ngóng” khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các hoạt động công nghệ tài chính “đen” núp bóng đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp chân chính, gây thiệt hại với người tiêu dùng và nhà nước.

Khi cơ chế thử nghiệm Fintech chính thức đi vào hoạt động, các nhà đầu tư sẽ được “thở phào” khi các quy định pháp lý rõ ràng, thực tế hơn. Bên cạnh đó những khó khăn về pháp lý và gọi vốn đầu tư trở nên dễ dàng hơn so với trước đây.

Theo KDPT