web analytics

Xã hội không tiền mặt, tiết kiệm được gì cho đất nước? 11/06/2019

(KDTT) – Hôm nay 11-6, tại khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81, Ngân hàng (NH) Nhà nước cùng báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo “Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành cùng các chuyên gia và doanh nghiệp…

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 

Phải phổ cập không dùng tiền mặt

Thực tế năm 2018, thanh toán di động của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hơn 160% về giá trị sovới năm 2017 và Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực ASEAN.

Đặc biệt, thanh toán dịch vụ công đã đạt được những kết quả khả quan như: 50 NH đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan; 27 NH và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của ngành điện thanh toán qua NH lên tới gần 90%; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai đề án phối hợp với các NH để thu hộ tiền khám chữa bệnh…

Tuy nhiên, những gì chúng ta đạt được mới là bước đầu. Sử dụng tiền mặt trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ vẫn phổ biến trong nền kinh tế. Nếu giảm được thanh toán tiền mặt, không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả của NH, mà Nhà nước còn thuận tiện khi triển khai dịch vụ công cấp độ 4, tức là người dân nộp tiền qua mạng, không phải trực tiếp tới trụ sở cơ quan, kho bạc.

Ngoài ra, hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng được nâng cao, minh bạch nền kinh tế và các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế cũng như thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền, tiêu cực và các loại tội phạm kinh tế.

Do đó, việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới.

Việt Nam hiện có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận, huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng smartphone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt hiện tại.

Thế giới ngày nay là thế giới của công nghệ, sáng tạo dựa trên nền tảng về nhu cầu của con người, một nước đi sau có thể có lợi thế hơn những quốc gia phát triển, nhưng với điều kiện chúng ta phải đi nhanh, đi tắt đón đầu trong lĩnh vực mà chúng ta có cơ hội và tiềm năng. Chỉ như vậy mới có thể thay đổi được thứ hạng. Để làm được điều đó, điều tiên quyết là phải tạo lập môi trường cho cái mới sinh sôi, nảy nở và thúc đẩy nó.

Thực tiễn cho thấy thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là xu hướng tất yếu bởi nhanh và phổ cập là hai yếu tố vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Chúng ta đi nhanh để đất nước không bị tụt hậu và phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông NGUYỄN MINH TÂM (phó tổng giám đốc Sacombank):

Đầu tư công nghệ, phải tính đường dài

Không chỉ là khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán thay thế tiền mặt, mà cần tạo ra hệ sinh thái kết nối rộng, nhiều tiện ích ngoài thanh toán và hiệu quả mang lại cho các thành phần tham gia. Những tiện ích phát sinh ngoài thanh toán là yếu tố quan trọng thu hút và thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt tăng trưởng nhanh.

Với công nghệ và các ứng dụng mới trong lĩnh vực thanh toán, chúng ta hoàn toàn đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội và nền kinh tế. Điều quan trọng là cần xây dựng chiến lược đầu tư công nghệ phù hợp phục vụ thanh toán mở: cổng kết nối thanh toán, ứng dụng phát triển…

Bà TRẦN THU HƯƠNG (giám đốc khối ngân hàng bán lẻ Ngân hàng VIB):

Thêm nhiều, thật nhiều tiện ích

Để thay đổi thói quen của người dân, cần mở rộng phủ sóng của thương mại điện tử tại các tỉnh, thành phố lân cận, cải thiện quy trình thanh toán… Đây là những yếu tố quan trọng đầu tiên giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó phát triển rộng rãi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Ngoài ra, để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch ở Việt Nam, cần có cơ chế khuyến khích công ty fintech phát triển ứng dụng tiện ích, tích hợp với hệ thống của ngân hàng, chính sách thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ, điểm chấp nhận thanh toán dần chuyển sang sử dụng giải pháp thanh toán không tiền mặt…

Ông NGUYỄN KIM ANH (phó thống đốc NH Nhà nước):

Sẽ có thêm nhiều chính sách mới

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự triển khai đồng bộ các giải pháp, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận. Chẳng hạn, hệ thống thanh toán điện tử liên NH đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỉ đồng, gấp 13 lần GDP, tăng trưởng 25% so với năm 2017. Đặc biệt, giá trị thanh toán qua di động trong năm 2018 tăng trưởng đến 169,5% so với năm 2017.

Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam bởi rất nhiều tiện lợi.

Để thúc đẩy phát triển thanh toán qua các kênh này, NH Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các NH thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngành NH…

Trong năm 2019, NH Nhà nước sẽ chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, như xây dựng nghị định thay thế nghị định 101/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money)…

TS NGUYỄN MINH SÁNG (ĐH Ngân hàng TP.HCM):

Có lợi, dân sẽ không dùng tiền mặt

Thị trường thanh toán không tiền mặt của Việt Nam đang rất sôi động nhưng để thúc đẩy phương thức thanh toán này phát triển hơn nữa, nhà thanh toán trung gian cần đa dạng hóa sản phẩm kết nối và tư vấn, truyền thông nhiều hơn.

Có thể đa dạng hình thức xác thực thanh toán, như bằng mật khẩu, vân tay hay nhận dạng khuôn mặt… Một khi thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử ở mọi lúc, mọi nơi…, người dân sẽ dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt để chuyển sang không dùng tiền mặt.

Ông NGUYỄN THÀNH TRUNG (chánh văn phòng Sở Công thương TP.HCM):

Góp phần giải quyết hồ sơ nhanh

Thời gian qua, nhiều hồ sơ liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại được thực hiện tại Sở Công thương TP.HCM đã áp dụng dịch vụ công cấp độ 4, cho phép thanh toán chi phí được thực hiện trực tuyến, gửi và nhận kết quả qua đường bưu điện hoặc qua mạng để đẩy nhanh công việc xử lý hồ sơ.

Đặc biệt, chúng tôi cũng phối hợp với Payoo cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Nhờ đó, thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp và người dân tại cơ quan này đến nay đã rút ngắn được 30 – 50% so với thời gian quy định.

Ông NGUYỄN VĂN PHỤNG (giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng):

Sẽ áp dụng với nhiều dịch vụ công

Sau khi chính quyền TP ĐàNẵng và ví điện tử MoMo ký thỏathuận triển khai thanh toán cácdịch vụ hành chính công thông qua ví điện tử, thí điểm từ tháng4 đến nay, lượng người dân sử dụng ví điện tử thanh toán cácdịch vụ hành chính do Trung tâm hành chính công TP cung cấp ngày càng tăng lên. Đâylà cơ sở để Đà Nẵng triển khaichủ trương thanh toán điện tử,mở rộng việc thanh toán khôngdùng tiền mặt với nhiều dịch vụkhác thời gian tới.

Theo: tuoitre.vn