web analytics

Vụ cháy tại Rạng Đông và câu chuyện về niềm tin 10/09/2019

(KDTT) – Mấy ngày qua, câu chuyện về ô nhiễm và độc hại do phát tán hóa chất trong vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (ngày 28-8) đang là chủ đề “nóng”, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “ô nhiễm tại Rạng Đông”, ngay lập tức mọi người nhận được 121.000.000 kết quả trong vòng 0,39 giây.

Nói như vậy, để thấy mọi thông tin liên quan vụ cháy được mọi người, mọi ngành, mọi cấp luôn theo dõi, cập nhật. Tuy nhiên, những thông tin đưa ra ngày càng khiến người đọc như lạc vào “mê trận”, bởi tính chân thực của nó. Và có lẽ, đây là lần thứ hai về vấn đề ô nhiễm môi trường, sau vụ việc Formosa Hà Tĩnh, dư luận lại gióng lên câu hỏi về niềm tin đối với các nhà chức trách.

“Mê hồn trận”  thông tin

Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy tại Công ty Rạng Đông trong vòng 21 ngày. Theo nhiều chuyên gia, khuyến nghị của phường Hạ Đình là cần thiết, đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc.

Đến ngày 30/8, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình ra quyết định thu hồi văn bản khuyến cáo trên, do “ban hành không đúng thẩm quyền và không có cơ sở”. Khi có thông tin trên, nhiều nhà khoa học bất ngờ, vì thông tin khuyến cáo của phường rất kịp thời, nội dung chính xác, chi tiết, có chuyên môn.

Sáng cùng ngày (30/8), các kỹ sư thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã đến phố Hạ Đình, đo chất lượng không khí. Đến chiều tối 30/8, UBND quận Thanh Xuân thông báo,  kết quả quan trắc nhanh cho thấy các thông số vi khí hậu, nhiệt độ, bụi… quanh khu vực nhà máy của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đều ở mức bình thường.  Cũng trong chiều 30/8, Công ty Rạng Đông có văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân và các cơ quan quản lý cấp trên cùng cổ đông, khách hàng về vụ cháy. Theo văn bản này, công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam (một loại chất thường được sử dụng để hàn, có chứa dung dịch thủy ngân) thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016, các vật tư – nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều an toàn với sức khỏe con người kể cả khi cháy.

Văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội của Công ty Rạng Đông.

Có sử dụng hóa chất độc hại để làm nguyên liệu sản xuất

Sau khi vào cuộc kiểm tra, đánh giá và lấy mẫu kết quả để phân tích các chỉ tiêu về môi trường, ngày 8/9, Tổng cục Môi trường chính thức phát đi thông tin: Vụ cháy thiêu rụi khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm, gồm bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact và bóng đèn tròn công suất thấp. Cụ thể, khoảng 480.000 bóng đèn huỳnh quang, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng. Bóng đèn compact có 1.600.000 sản phẩm, sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%. Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram là 2.000.000 sản phẩm). Ngoài ra còn có nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại.

Thông tin với báo chí trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, ban đầu Công ty Rạng Đông báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra môi trường khoảng 15,1kg. Nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho 1 bóng đèn compact, nên khối lượng thủy ngân phát tán là 23,2kg. “Chúng tôi xác định, số thủy ngân đã phát tán ra môi trường nằm trong khoảng 15,1 – 27,2kg”, ông Nhân nói.

Về kết quả quan trắc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông tin, trong 12 mẫu chất thải rắn, tro xỉ sau cháy để xác định nồng độ thủy ngân, chỉ có một mẫu vượt 1,3 lần quy chuẩn Việt Nam, và đó là mẫu lấy từ cống nước thải cách nhà máy 1,5 km đổ ra sông Tô Lịch.

Ngoài ra, trong 8 mẫu nước cũng có 1 mẫu có giá trị vượt quy chuẩn 2,76 lần. Trong khi đó, có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy, vượt quy chuẩn.

Thư xin lỗi của Công ty Rạng Đông gửi ngày 6-9

Hệ lụy từ vụ cháy

Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường, cùng với quá trình làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, công ty này mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên amalgam). Ước tính, lượng thủy ngân phát tán ra môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1kg đến 27,2kg. Điều này mâu thuẫn với báo cáo ban đầu của công ty, từ năm 2016, công ty chỉ sử dụng viên amalgam (hỗn hợp của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.

Tổng cục Môi trường tiếp tục khuyến cáo người dân trong bán kính 500 m (tính từ hàng rào của Công ty) cần thực hiện các biện pháp như phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở. Đối với người dân sống trong bán kính 200 m,  cần đi khám sức khỏe định kỳ. Đối với người người dân trong bán kính từ 200m – 500m, cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân.

Đến nay, Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) đã lấy 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường… từ đám cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Công việc phân tích được khẩn trương tiến hành. Dựa trên kết quả phân tích, Viện sẽ xây dựng phương án tiêu độc, thu gom xử lý các vật tư, hóa chất ở khu vực bị cháy của Nhà máy Rạng Đông. Trong khi đó, xung quanh khu vực xảy cháy, nhiều nhà dân tiếp tục phải đóng cửa, sơ tán; một số cửa hàng, trường học, đơn vị hoạt động cầm chừng trong sự lo lắng. Ngày càng nhiều gia đình rao bán nhà đất để tránh nguy cơ ô nhiễm. Thậm chí, một số hộ dân đã tập trung tại cổng  Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông yêu cầu đối thoại, có biện pháp bảo đảm sức khỏe cho những người đang sinh sống, học tập quanh khu vực xảy cháy.

Phần lớn nhà dân xung quanh hiện trường vụ cháy đều đóng cửa.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sự thừa nhận của Công ty Rạng Đông về số lượng thủy ngân thoát ra môi trường cuối cùng cũng được công bố, nhưng chỉ là sau khi có các bằng chứng khoa học, không thể chối cãi của cơ quan chức năng. Trong khi hàng ngày, hàng giờ, tình trạng ô nhiễm môi trường có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân, thì việc thừa nhận muộn màng này thể hiện sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, khiến khâu xử lý hậu quả bị kéo dài, tăng thêm những thiệt hại. Dư luận hết sức bất bình và yêu cầu Công ty Rạng Đông cũng như các ban ngành hữu quan nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn trong việc triển khai các biện pháp hiệu quả, kịp thời tẩy độc, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Một số cửa hàng đã chuyển đi nơi khác do bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.

Hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn dân cư khu vực liền kề hiện trường đã đóng cửa chỗ ở, một số người chuyển đi nơi khác, do sợ ảnh hưởng sức khỏe từ hóa chất phát tán.

Theo thông tin mới nhất, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn gửi công văn hỏa tốc đề nghị TP. Hà Nội nhanh chóng xử lý môi trường, sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Cục Cứu hộ cứu nạn cũng có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đề nghị báo cáo công tác tổ chức, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố cháy.

Theo KDPT