web analytics

Việt Nam đạt xuất siêu mức cao nhất trong 5 năm 29/12/2020

(KDTT) – Theo số liệu từ Tổng  Cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trong suốt cả năm 2020.

Xuất khẩu lập đỉnh cao mới

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2020 vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Con số này đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục cân bằng được cán cân thương mại, ghi nhận xuất siêu 5 năm liên tiếp. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trong suốt cả năm 2020.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2020 đạt 25.238 triệu USD, cao hơn 438 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 12/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 26,5 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý IV/2020 ước tính đạt 78,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,1% so với quý III năm nay. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%. Trong năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,8%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 46,3 tỷ USD, giảm 1,5%; thị trường ASEAN đạt 30 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 20,5 tỷ USD, tăng 5%; thị trường EU đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2020 đạt 24.692 triệu USD, cao hơn 492 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 12/2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa.

FTA tiếp tục là lực đẩy xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2021 Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu.

Do đó, Bộ Công Thương xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng; trong đó lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch Covid-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục tập trung tái cơ cấu qua việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn để chinh phục đỉnh cao mới.

HIỂU MINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT