Báo cáo Thịnh vượng vừa được tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) phát hành cho biết, số người siêu giàu ở Việt Nam từ 583 người năm 2017, đã tăng lên 1.059 người năm ngoái, tương đương tăng 82%. Knight Frank dự báo đến năm 2027, con số này sẽ gần chạm mốc 1.300, thêm 22% so với hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong 10 năm.

Ảnh minh họa.

Người siêu giàu là cá nhân có tài sản ròng (đã trừ các khoản vay) từ 30 triệu USD trở lên – tương đương từ hơn 704 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại – bao gồm cả bất động sản mà họ đang cư trú.

Knight Frank lý giải nhóm dân số giàu và siêu giàu tại Việt Nam tăng nhanh cũng nằm trong xu hướng thịnh vượng trên toàn châu Á. Theo đó, Singapore, Malaysia và Indonesia dẫn đầu các nơi có dân số siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất.

Tại châu Á – Thái Bình Dương, lượng người siêu giàu đã tăng ngoạn mục gần 51% trong vòng 5 năm tính đến 2022. Mặc dù có dự đoán rằng mức tăng trưởng này sẽ giảm còn 40% trong 5 năm tới, đây vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng lượng người giàu.

“Nhìn về lâu dài, khu vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển thịnh vượng, dẫn đầu về lượng dân số siêu giàu và cơ hội phát triển kinh tế”, Christine Li, Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Knight Frank, nhận định.

Hồi tháng 4, Báo cáo “Thành phố giàu có nhất thế giới năm 2023” (The Wealthiest Cities in the World in 2023) do Henley & Partners và New World Wealth cho biết TP Hồ Chí Minh đang có 7.700 người có tài sản trên một triệu USD, 15 người có tài sản từ 100 triệu USD và 3 tỷ phú USD.

Theo KDPT