web analytics

Về Quảng Ngãi nghe chuyện dệt thổ cẩm cúng thần linh… 09/03/2020

(KDTT) – Lần đầu tiên tôi được thấy thổ cẩm được dệt nên từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ  Hrê – bảo vật để cúng thần linh, thước đo cho sự khéo léo đảm đang của người phụ nữ Hrê – ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Vào ĐH, tôi gặp em, cô gái dân tộc Hrê, ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp ra trường, em đưa tôi về quê em, một miền quê yên bình, với những con người hiền lành và mến khách.

Lần đầu tiên tôi bước chân vào thế giới của người Hrê. Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của dân tộc em. Nếu không gặp em, có lẽ chẳng bao giờ tôi được đến nơi này. Em kể cho tôi nghe về bản làng của em, về nét văn hóa độc đáo của đồng bào Hrê, về đại ngàn, về tiếng chiêng, điệu nhảy…và nghề truyền thống dệt thổ cẩm – báu vật cũng thần linh – của người Hrê…

Cứ đến những ngày lễ hội, hầu hết đồng bào Hrê đều mặc trang phục thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Thạch Thảo

Em kể, đứa trẻ Hrê khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se chỉ, nhuộm màu. Và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, nghề dệt thổ cẩm đã tạo nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, như trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng…

Cùng với nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở Quảng Nam, làng Teng là địa danh thứ 2 ở khu vực trung Trung Bộ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, nếu như ở Quảng Nam, nghề dệt truyền thống này xuất hiện ở rất nhiều làng của đồng bào Cơ Tu thì làng Teng là nơi duy nhất biết dệt thổ cẩm, cung cấp cho toàn bộ hơn 200 ngôi làng của đồng bào thiểu số phía tây Quảng Ngãi từ nhiều đời nay.

Thời gian, có thể làm nghiêng lệch trật tự có tính truyền thống của một ngôi làng người Hrê, nhưng trang phục của phụ nữ Hrê thì dường như thách thức trước những đổi thay. Những bộ áo váy thổ cẩm không lẫn vào đâu được như cố níu giữ chút mảnh vỡ cuối cùng còn sót lại của người Hrê cổ xưa.

Nét độc đáo của thổ cẩm làng Teng không chỉ là sự tinh xảo của tấm vải qua bàn tay tài hoa của người thợ ở làng mà người Hrê còn ký thác vào đó rất nhiều ẩn ý của dân tộc mình. Họ quan niệm về âm – dương đối lập qua hai màu đen và đỏ, điều hiếm gặp trong các loại thổ cẩm Tây Nguyên. Hoặc trên băng hoa văn của tấm thổ cẩm làng Teng không có “hồi văn”, tức hoa văn không lặp lại trên các đường viền mà nó kéo dài hết lớp này tới lớp khác đến vô tận. Nó buộc người xem phải “đi theo” đến tận cùng mà không chán mắt. Sự cách điệu trong cách thể hiện trên hoa văn thổ cẩm làng Teng cũng được người H’rê rất chú trọng. Có một dòng chảy của văn hóa Đại Việt lẫn văn hóa Chămpa đã hiện diện trên các hoa văn thổ cẩm của làng Teng.

Nghệ nhân Phạm Thị Đang (58 tuổi) chia sẻ, khi làng Teng chưa có điện, các cô gái trong làng thường hay tập trung đến nhà của các mí (mẹ) Thiêu, Bé, Tú để học nghề. Họ se chỉ, kéo sợi dệt những tấm thổ cẩm để địu con lên rẫy, những chiếc khố, túi để cho trai tráng đựng nỏ, cung tên, hay chiếc khăn choàng đầu để ra đồng. Vào mùa lạnh, họ dệt áo, khăn ấm. Những ngày Tết đến gần, dù giàu hay nghèo các gia đình đều phải may thổ cẩm mới.

Đến dịp cúng ông bà, cúng Giàng, thần sông, thần núi… để cầu khỏe mạnh, bình an, người Hrê phải chọn những tấm thổ cẩm đẹp, được dệt tinh tế, tỉ mẩn nhất để làm dâng lên bàn thờ làm lễ vật.

Cụ Phạm Thị Thung là một trong 15 nghệ nhân của làng, nay sang tuổi 82 nhưng vẫn miệt mài bên khung dệt để truyền nghề cho các thiếu nữ Hrê của làng Teng lẫn các làng khác. Cụ Thung cho biết, 15 nghệ nhân của làng Teng như 15 thỏi nam châm đủ sức để hút về mình những thiếu nữ Hrê đam mê thổ cẩm. “Mỗi phụ nữ Hrê đều có một bộ thổ cẩm mới nhất để không chỉ chưng diện mỗi khi làng có việc mà còn để được “gặp ông bà” khi nhắm mắt xuôi tay”, cụ bà Phạm Thị Thung tiết lộ điều “bí mật” ấy khi tôi tò mò hỏi về ý nghĩa của từng bộ áo váy.

Em tiếp lời: Để “được gặp ông bà khi nhắm mắt xuôi tay” cũng là một trong những lý do để thổ cẩm làng Teng trường tồn với thời gian.

Theo phapluatxahoi.vn