web analytics

Vạn Phát Hưng đình chỉ hoạt động 1 năm vì “bán lúa non”, bài học lớn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản 06/10/2021

(KDTT) – Nhiều năm trở lại đây, dự án bất động sản dù chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định nhưng vẫn được rao bán diễn ra rầm rộ trên thị trường. Liên quan đến tình trạng ‘bán lúa non’, tại Báo cáo tài chính bán soát xét 6 tháng đầu năm 2021 mới đây của Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (mã cổ phiếu: VPH), doanh nghiệp đã bị kiểm toán lưu ý về quyết định xử phạt bổ sung liên quan đến dự án khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Vạn Phát Hưng bị đình chỉ hoạt động 1 năm

Tại Báo cáo tài chính bán soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của Vạn Phát Hưng, kiểm toán đã chỉ rõ trong quá trình kinh doanh bất động sản liên quan đến dự án Khu dân cư Nhơn Đức Công ty CP Vạn Phát Hưng đã vi phạm quy định bán sản phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản xác nhận đủ điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai, với mức phạt 300 triệu đồng, phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh 12 tháng kể từ ngày 2/6/2021.

Sai phạm tại dự án KDC Nhơn Đức, Vạn Phát Hưng bị đình chỉ hoạt động 1 năm.

 

Giải trình về việc bị xử phạt, phía Vạn Phát Hưng cho biết đã hoàn thành việc nộp phạt và khắc phục vi phạm trên. Đồng thời việc bị xử phạt và đình chỉ hoạt động kinh doanh không ảnh hưởng đến việc công ty thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai các dự án sắp tới.

Theo tìm hiểu, Dự án Khu dân cư Nhơn Đức có quy mô 40 ha, gồm khu dân cư 9,3 ha và 2 trường đại học, được chấp thuận đầu tư năm 2015 nhưng hiện chưa hoàn thành bàn giao đưa công trình vào sử dụng cũng như chưa quyết toán đầu tư.

Phối cảnh dự án KDC Nhơn Đức (Ảnh: Vạn Phát Hưng)

 

Liên quan đến dự án trên, Trước đó vào tháng 4/2020, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khi đó là ông Nguyễn Thành Phong đã ý kiến về kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện dự án Khu dân cư Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) do Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Lãnh đạo thành phố yêu cầu xác định nguyên nhân, trách nhiệm trong việc công ty chậm nộp tiền sử dụng đất, các sở ngành liên quan xác định lại phần diện tích đất do Nhà nước quản lý, tính thuế giá trị gia tăng và kiểm tra số tiền 658 tỷ đồng doanh nghiệp đã nhận từ 2 trường đại học.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện dự án, Vạn Phát Hưng đã nhận chuyển nhượng đất lúa trước khi được chấp thuận địa điểm đầu tư; đầu tư xây dựng công trình trên đất chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất trên thực địa; thi công xây dựng các công trình hạ tầng và móng cọc nhà (có diện tích xây dựng được quy hoạch trên 500 m2) không có giấy phép xây dựng.

Chủ đầu tư đã bán 370 nền đất có móng cọc tại dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Bên cạnh đó, Vạn Phát Hưng cũng bàn giao nhà ở để đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu; chuyển nhượng 16 nền đất có diện tích chuyển nhượng nhiều hơn diện tích thửa đất được cấp GNCQSDĐ; chưa thực hiện xây dựng trường tiểu học, công viên cây xanh,…

Bài học lớn cho chủ đầu tư dự án có ý định ‘bán lúa non’

Tình trạng “bán lúa non” là một thuật ngữ để nói về việc các chủ đầu tư bán sản phẩm khi chưa được cấp giấy đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai – diễn ra từ nhiều năm nay với những hình thái khác nhau, gây rủi ro lớn cho người mua nhà.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình trạng các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý kinh doanh nhưng quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng, các sàn giao dịch rất nhiều. Thậm chí có những trường hợp chưa xong thủ tục đất đai, còn đất lúa, chưa san lấp mặt bằng nhưng đã nhận cọc của khách hàng.

Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các DA kinh doanh BĐS và xử lý nhiều vi phạm. Thế nhưng, hiện vẫn có nhiều phản ánh bức xúc.

Tình trạng ‘bán lúa non’ diễn ra rầm rộ tại nhiều dự án trong những năm qua.

 

Giữa tháng 4/2021, Phó Giám đốc Sở Xây dựng – Đặng Thị Thúy Hà tiếp tục ký gửi văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bất động sản. Mặt khác, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc cắm bảng công khai rõ ràng, đầy đủ các thông tin, tiến độ dự án.

Theo Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty TAT law firm, tình trạng “bán lúa non” diễn ra nhiều năm nay và gây rủi ro lớn cho người mua. Để ngăn chặn, giải pháp tốt nhất là chính quyền địa phương phải quản lý thật chặt các dự án bất động sản hình thành trong tương lai và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm.

Luật quy định, Nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được phép đưa vào kinh doanh khi đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản như sau: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

QUANG ANH

Bạn đang đọc bài Vạn Phát Hưng đình chỉ hoạt động 1 năm vì “bán lúa non”, bài học lớn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản tại chuyên mục Bất động sản.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT