web analytics

Vận dụng tốt lời dạy của Bác trong khoa học và công nghệ 19/05/2020

(KDTT) – Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người đã để lại cho nhân dân ta những giá trị tư tưởng to lớn, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN). Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), chúng ta lại càng thấm thía hơn những lời dạy của Bác trong lĩnh vực KH&CN, để ra sức học tập, chiến đấu, lao động, đưa nước ta ngày càng thịnh vượng, dân ta ngày càng ấm no.

Bác Hồ với cán bộ, công nhân Xưởng Cơ khí, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tháng 1 – 1964. (Ảnh: tư liệu)

Tấm gương thu phục nhân tâm, quy tụ nhân tài

Ngay từ những năm đầu giành chính quyền, Bác đã quan tâm ngay đến đến việc đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức trong nước và thu hút trí thức Việt kiều ở nước ngoài, trọng dụng, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.  Biết bao nhân sĩ, trí thức đã vượt qua gian khổ, hy sinh, lập nên những kỳ tích KH&CN trong kháng chiến chống thực dân Pháp và được lưu danh như: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… Sự cống hiến xuất sắc của họ xuất phát từ lòng yêu nước, từ sự trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước ta, từ sự chinh phục bằng tầm cao trí tuệ và nhân cách lớn của Bác. Có thể nói rằng, thời gian đầu, các nhà khoa học Việt kiều chưa hiểu nhiều về Đảng, về cách mạng dân tộc và chủ nghĩa xã hội, họ theo Bác về nước chủ yếu là do Bác chinh phục bằng tầm cao trí tuệ và nhân cách. Còn chính sách đãi ngộ lúc đó chưa nhiều, do hoàn cảnh chung của nước nhà. Ngay sau khi hoà bình năm 1954, tiếp đến là cả trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với phát triển giáo dục đào tạo trong nước, hàng vạn cán bộ, sinh viên tiếp tục được Đảng, nhà nước và Bác cử ra nước ngoài (Liên xô và các nước XHCN) học tập, nghiên cứu. Ngày nay, họ đã trở thành những nhà khoa học đầu đàn và đội ngũ trí thức nòng cốt của đất nước, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tôn vinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy tầm cao trí tuệ và tấm gương thu phục hiền tài của Bác nhằm phục vụ cho KH&CN, kiến thiết, dựng xây nước nhà đã đến từ thuở sơ khai của nền độc lập. Và chính những trí thức, nhà khoa học đó đã góp phần không nhỏ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng Tổ quốc sau này, đưa nước ta ngày càng tiến lên.

Khoa học phải từ sản xuất mà ra

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam, Bác Hồ đã nêu những quan điểm về tầm quan trọng của KH&CN đối với vấn đề năng suất lao động. Người cho rằng: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Như vậy, KH&CN phải liên kết chặt chẽ với sản xuất, nhất là ở nước nghèo, để phục vụ sản xuất phát triển; đồng thời sản xuất cũng là động lực thúc đẩy KH&CN phát triển, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là bảo đảm các yêu cầu cơ bản, xóa đói giảm nghèo. Người khẳng định: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7-1960). Ảnh: TTXVN)

Trải qua thực tế, vai trò KH&CN trong đời sống xã hội là rất to lớn. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của KH&CN không chỉ cần sức mạnh của một vài cá nhân hay tổ chức nhất định, mà toàn xã hội phải cùng thể hiện trách nhiệm, cùng chung tay phát triển KH&CN, để đưa cuộc sống người dân ngày càng tiến lên.

Đưa KH&CN vào giáo dục đào tạo

Theo Bác, phát triển KH&CN tất yếu gắn liền với giáo dục – đào tạo. Khi nói về giáo dục – đào tạo, ngay từ đầu, Người quan tâm ngay đến thế hệ trẻ, coi đây là những chủ nhân tương lai của nước nhà, là lực lượng nắm bắt, tiếp thu khoa học hiệu quả, sẽ làm nên cuộc cách mạng KH&CN trong tương lai.

Cũng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam, Bác nói rằng: “Phải dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học”.

Theo Người, nâng cao trình độ văn hoá, trình độ dân trí cho toàn dân là tiền đề cơ bản để tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Quần chúng không chỉ có khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà còn có khả năng sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thậm chí là phát minh, sáng chế.

Và thành tựu hôm nay

Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, ngành KH&CN đã có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao như: công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn, giàn khoan dầu khí tự nâng ở độ sâu 90 m nước (phù hợp điều kiện Việt Nam); chế tạo và phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất MicroDragon; Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu… KH&CN đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, nhờ tạo ra hàng trăm giống cây trồng có năng suất chất lượng cao và quy trình canh tác tiên tiến. Hoặc đáng chú ý, những thành tựu KH&CN trong lĩnh vực y tế cũng đáng ghi nhận khi lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam; nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S), vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B. Đặc biệt, thời gian qua các nhà khoa học Việt Nam đã  thành công trong việc làm chủ phương pháp xét nghiệm tìm gen virus Covid-19 và nghiên cứu thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh) góp phần rất lớn vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 15/2/1965, Bác Hồ về thăm đồng bào xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và nói chuyện về công tác vệ sinh phòng bệnh. (Ảnh: tư liệu).

Đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Trong tiến trình ấy, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ vẫn mãi là kim chỉ nam, là động lực để chúng ta tiếp tục phát huy nội lực, tạo nên ngày càng nhiều thành tựu về khoa học, công nghệ, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp hơn như Người hằng mong ước.

Theo KDPT