web analytics

Ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng 01/11/2021

(KDTT) – Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” (mã số KC.05/16-20) là một trong 7 chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và quản lý. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị

Những đóng góp nổi bật

Sáng 30/10 tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20 đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình. Báo cáo tổng kết Chương trình, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20 cho biết, Chương trình có 23 nhiệm vụ KH&CN, gồm 20 Đề tài khoa học và 03 Dự án sản xuất thử nghiệm. Chương trình KC.05/16-20 đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu, nội dung nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu đã đạt được các chỉ tiêu đề ra trong khung chương trình.

Chia sẻ về những kết quả nổi bật của Chương trình, TS. Trần Chí Thành cho biết, Chương trình đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng thành công Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò nghiên cứu mới và xây dựng thành công đưa vào vận hành Mạng lưới quan trắc phóng xạ, ứng phó sự cố hạt nhân quốc gia. Chương trình góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và năng lực tư vấn thẩm định của Việt Nam trong các nhiệm vụ liên quan đến phát triển năng lượng nguyên tử của đất nước, hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ, an toàn bức xạ và môi trường, an toàn hạt nhân theo lộ trình đặt ra của các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế – xã hội và định hướng quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử đến năm 2030.

TS. Trần Chí Thành, Chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20 báo cáo tổng kết.

 

Cùng với đó, Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có thể ứng dụng trong các ngành kinh tế kỹ thuật như: các sản phẩm dược chất phóng xạ với độ tính sạch cao ứng dụng trong công nghệ sản xuất thuốc điều trị và chuẩn đoán ung thư chủ động sản xuất trong nước, giảm bớt nhập khẩu; các chế phẩm sinh học cho độ tinh sạch cao ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm tăng cường sức đề kháng, tăng năng suất của sản phẩm thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo, tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước, chủ động trong sản xuất thực phẩm ăn kiêng, giảm ngoại tệ nhập khẩu.

Phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất giống cây trồng nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đột biến có năng suất và chất lượng cao chủ động trong việc sản xuất giống trong nước. 

Đối với lĩnh vực năng lượng truyền thống, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Chương trình đã góp phần phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.

Những kết quả thực hiện Chương trình đã có đóng góp khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, vật liệu, nhiên liệu, hóa học… Đồng thời, làm chủ một số lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của quốc gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ có trình độ với nhiều chuyên gia đẳng cấp quốc tế, có khả năng tham gia vào một số chương trình nghiên cứu với các nước tiên tiến và khu vực, tham gia tư vấn trong nước và quốc tế.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Hình thành lên các nhóm nghiên cứu chủ động một cách độc lập trong lĩnh vực nghiên cứu mô phỏng, thiết kế, và gia công chế tạo các hệ dẫn dòng nơtron nhiệt và đơn năng chất lượng cao bằng kỹ thuật phin lọc nơtron để lắp đặt tại các kênh ngang của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và có thể áp dụng vào trường hợp của lò phản ứng nghiên cứu mới. Các kết quả này ngoài ý nghĩa tham gia cung cấp số liệu về phản ứng hạt nhân và cấu trúc hạt nhân cho sự phát triển chung về cơ sở dữ liệu hạt nhân quốc tế mà hầu hết các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và cơ bản về khoa học hạt nhân đều khai thác như là một nguồn cơ sở dữ liệu mở, còn có ý nghĩa thể hiện năng lực của nhóm nghiên cứu tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả qua các kênh hợp tác quốc tế và tham gia đào tạo nhân lực.

Làm chủ và nâng cao trình độ công nghệ những lĩnh vực năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn… Nghiên cứu, tiếp thu chuyển giao công nghệ, tiến tới tự chủ về công nghệ, nâng cao khả năng chế tạo thiết bị và khả năng cạnh tranh trên thị trường năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ mới. Hình thành lên các nhóm nghiên cứu về điện tự động hóa, nhóm nghiên cứu về nhiên liệu sinh học, nhóm nghiên cứu về cơ khí động lực có trình độ chuyên môn, có nhiều công bố trong và ngoài nước.

Việc thực hiện các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm của Chương trình KC.05 trong giai đoạn 2016-2020 sẽ góp phần tích cực và chủ động cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia trong lĩnh vực này. Làm chủ và nâng cao trình độ công nghệ những lĩnh vực năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn và triển vọng thương mại.

Cần có những nghiên cứu mang tính dự báo

Thông tin về vấn đề nghiên cứu của Chương trình trong giai đoạn tới, Ban Chủ nhiệm Chương trình cho biết sẽ tập trung vào hai vấn đề: Thứ nhất, về năng lượng nguyên tử: Nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân tiên tiến, phân tích đánh giá an toàn nhà máy điện hạt nhân tiên tiến dùng lò nước nhẹ (LWR), nhà máy điện hạt nhân nổi và công nghệ lò phản ứng modul nhỏ (SMR); Nghiên cứu tính toán vật lý lò, tính toán thiết kế kênh nghiên cứu, chế tạo thiết bị đo, công nghệ xây lắp, vận hành, khai thác và đảm bảo an toàn; nhiên liệu và vật liệu hạt nhân; công nghệ quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng phục vụ triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò nghiên cứu mới. Nghiên cứu cơ sở khoa học hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các kỹ thuật trong quan trắc phóng xạ môi trường, đánh giá tác động môi trường phóng xạ, xử lý các sự cố và tai nạn bức xạ, hạt nhân; Úng dụng công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ phục vụ các ngành, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường và y tế.

Thứ hai, về năng lượng truyền thống, năng lượng mới và năng lượng tái tạo: Chương trình sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng, gió, sinh khối, địa nhiệt, đại dương và nhiên liệu sinh học; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn năng lượng phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu năng lượng quốc gia; Năng lượng hydro; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến và thông minh trong khai thác, sản xuất và sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp nâng cao độ tin cậy, hiệu quả hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng, khai thác, lưu trữ và sử dụng năng lượng; Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ phục vụ chuyển dịch năng lượng trong khu vực công nghiệp, giao thông vận tải và tòa nhà thương phẩm.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại tại Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã ghi nhận những đóng góp của Chương trình và bày tỏ ấn tượng về kết quả của Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển phụ gia đa năng, giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm năng lượng”, cũng như các kết quả nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu hạt nhân… Thứ trưởng chia sẻ, quan điểm về công tác quản lý của Bộ KH&CN trong thời gian tới là định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Để các sản phẩm của Chương trình được chuyển giao vào sản xuất, doanh nghiệp, thì bản thân các nhà khoa học phải đề xuất trong công tác nghiên cứu và các doanh nghiệp đặt đầu bài cho các nhà khoa học. Bên cạnh đó, Thứ trưởng khẳng định về các cơ chế, thủ tục về quản lý KH&CN, Bộ KH&CN đang nghiêm túc rà soát lại tất cả các khâu từ việc hình thành nhiệm vụ, phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt kinh phí, kí hợp đồng, triển khai thanh quyết toán, nghiệm thu nhiệm vụ để nhìn nhận vấn đề gì chưa hợp lý, vấn đề gì cần cải tiến.

Với sự cần thiết, tầm quan trọng, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn thời gian tới Chương trình sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chương trình nên có những nghiên cứu dự báo trong tương lai, những vấn đề về năng lượng của đất nước và thế giới.

DUY LỘC

Bạn đang đọc bài Ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng
tại chuyên mục Khoa học – Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT