web analytics

TS Nguyễn Đình Cung than thở chuyện sửa luật: ‘Tôi đã nhảy vào làm rồi mà vẫn phải bật ra’ 18/10/2019

(KDTT) – TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết chỉ riêng lĩnh vực đầu tư tạo lập tài sản mới đã có 10 luật và 10 luật này chưa được cải cách. Nhưng “chỗ này quá nhiều quyền lợi, cứ sửa một ông lại đụng tới một ông khác… Tôi đã nhảy vào làm rồi mà vẫn bật ra, không thể vào đó”.

TS Nguyễn Đình Cung

Chia sẻ tại một hội thảo tổ chức tại Hà Nội hôm 17/10, TS Nguyễn Đình Cung đã nhấn mạnh tới tình trạng dậm chân tại chỗ của tiến trình cải cách.

“Những gì tôi viết cách đây 20 năm không khác gì so với hôm nay. Kể cả những đề xuất, giải pháp, hôm nay nhìn lại vẫn đúng như thế”, ông nói.

Theo ông Cung, Việt Nam mới chỉ chú ý đến vấn đề mở cửa, hội nhập mà chưa chú trọng tới việc cải thiện môi trường quốc nội. Ông cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang mở rộng thị trường nhưng họ lại đang bị trói, vì thế những cơ hội do hội nhập mang lại không được tận dụng.

“Trói ở chỗ không tiếp cận được cơ hội kinh doanh, nguồn lực và thực thi pháp luật – rất bất định, không tiên đoán được. Ở mức độ nào đó, quyền tự do kinh doanh đã được cải thiện nhưng sự an toàn trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Chính vì không an toàn nên ứng xử về đầu tư của doanh nghiệp vẫn thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược, quy mô lớn. Ta càng hội nhập bao nhiêu, ta càng có thể thua nhiều bấy nhiêu”, ông Cung phân tích.

Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến sự an toàn trong kinh doanh ở Việt Nam chưa được cải thiện.

Một là hệ thống pháp luật, hệ thống của Việt Nam là 1 luật, 10 nghị định, 100 thông tư, chưa kể các văn bản điều hành xin cho hàng ngày. “Chỉ riêng Văn phòng Chính phủ mỗi năm có 3.500 – 4.000 văn bản điều hành. Các bộ, các ủy ban cấp tỉnh/thành, các sở, tôi tin cũng như thế. Nghĩa là ta điều hành hằng ngày bằng hành chính, pháp luật của ta thực hiện bằng hành chính thực thi, thực thi theo chiều dọc chứ không phải chiều ngang”.

“Luật không đổi, nghị định có thể đổi; nghị định không đổi, thông tư có thể đổi; thông tư không đổi, các quy định bên dưới có thể đổi, cho nên doanh nghiệp không biết khi nào đúng, khi nào sai. Kết hợp với đó là hệ thống thanh kiểm tra, họ cứ vào là thấy sai phạm. Tất cả diều này dẫn đến bất ổn trong kinh doanh. Nhưng doanh nghiệp lại không được ai bảo vệ cả. Tòa án không phải là nơi bảo vệ cho những tranh chấp thế này. Vì thế, cảm nhận của doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh rất rủi ro”, ông Cung chỉ ra.

Theo ông, lâu nay nhà nước chỉ sửa phần ngọn chứ không sửa phần gốc của vấn đề, muốn giải quyết phần gốc, phải có “một thế lực đủ mạnh”.

Ông Cung nói: “Vấn đề của chúng ta là có luật chiều ngang – các luật chồng chéo và mâu thuẫn nhau, đúng luật này thì sai luật kia. Ví dụ trong lĩnh vực đầu tư tạo tài sản mới, ta có 10 luật như: Đất đai, Môi trường, Đầu tư, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản… lâu nay chưa có cải cách nào. Chúng ta có gia nhập thị trường nhưng việc tạo tài sản này lại không có những cải cách, bởi vì chỗ này có quá nhiều quyền lợi, cứ sửa một ông lại đụng tới một ông khác cho nên không sửa được.

“Muốn sửa cái này thì không thể để một Bộ sửa được mà phải có một nhóm chuyên gia độc lập, có sự chỉ đạo của một Phó thủ tướng. Sở dĩ nói vậy vì tôi đã nhảy vào việc này rồi mà vẫn bật ra, không thể vào đó.

“Phải có một thế lực thì mới giải quyết được vấn đề luật chiều ngang này. Cho nên VCCI có 10 cuộc rà soát luật đi chăng nữa thì cuối cùng cũng quay trở lại cuộc rà soát đầu tiên. Không sửa được đâu!”.

Một ví dụ khác được ông Cung đưa ra là Luật Đầu tư. Bất cập nằm ngay ở phạm vi điều chỉnh của luật này (gồm hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài).

Ông Cung phân tích: hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được quy định bởi nhiều luật chứ không riêng Luật Đầu tư, do đó viết như trên thì Luật Đầu tư sẽ trùm lên tất cả luật khác.

Chính vì quy định như vậy nên việc góp vốn mua cổ phần vốn thuộc về Luật Doanh nghiệp lại trở thành nội dung của Luật Đầu tư. Điều này gây ra không ít hệ lụy, chẳng hạn như việc góp vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup không thể làm được hoặc làm được nhưng chi phí bỏ ra rất lớn.

“Bởi vì theo luật, việc góp vốn phải có dự án, mà đã là dự án thì phải xin, nhưng chưa biết startup là cái gì thì lập dự án làm sao, cho nên cuối cùng là không thể xin được, không thực hiện được hành vi góp vốn – vốn là một hành vi rất được khuyến khích”, ông Cung dẫn chứng.

Đối với quy định đầu tư ra nước ngoài, ông Cung gay gắt: “Hàng bao nhiêu nước đầu tư vào Việt Nam, có ai có giấy đầu tư vào Việt Nam đâu, duy nhất Việt Nam có loại giấy này”.

“Tôi lấy một ví dụ, một sinh viên Việt Nam du học nước ngoài, làm startup bên đó thành công rồi, giờ muốn quay về đầu tư ở Việt Nam. Nhưng khi đó, người sinh viên này sẽ bị hỏi giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài mà cơ quan Việt Nam cấp cho anh đâu? Không có thì không thể đầu tư vào Việt Nam được. Đó, luật có những cái như thế”, ông Cung nói.

Một quy định không hợp lý khác được ông Cung chỉ ra là chấp thuận chủ trương đầu tư. “Chấp thuận chủ trương là gì? Là cơ quan nhà nước chấp thuận về mục tiêu. Ôi tại sao lại chấp nhận mục tiêu đầu tư? Chỉ có thể chấp nhận quy mô, tiến độ, các điều kiện khác thôi chứ”.

“Nguyên tắc của kinh tế thị trường là sản xuất cái gì, cho ai, bao nhiêu, ở đâu đều do thị trường quyết định. Mình cứ đặt quy định này, nêu những suy nghĩ này… nó phi thị trường, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có rất nhiều những thứ như thế, can thiệp hành chính thực sự luôn. Tôi cho rằng chúng ta cần bình tĩnh đọc lại các quy định, suy nghĩ 3 lần xem quy định đó có cần không rồi hãy ra luật”, ông Cung bày tỏ.

Theo vietnamfinance.vn