web analytics

TS Cao Viết Sinh nêu 4 điểm ‘khuyết tật’ về thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam 21/09/2019

(KDTT) – TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội, đã chỉ ra 4 nhóm vấn đề của thể chế kinh tế thị trường mà Việt Nam đang gặp phải.

TS Cao Viết Sinh tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2019

Theo ông Sinh, so với thông lệ quốc tế, thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt; chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Một số quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, nhanh bị thay đổi. Trong nhiều trường hợp, những quy định đó có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến tình trạng  khó thực hiện.

“Hệ thống văn bản luật chủ yếu vẫn mang tính chất định khung, khó áp dụng trực tiếp. Có khoảng cách lớn giữa tuyên bố chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng với việc thể chế hóa và thực thi trên thực tế. Đến nay mới có 71 nước công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường, còn một số đối tác thương mại lớn chưa công nhận”, ông Sinh cho biết.

Cũng theo ông Sinh, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam còn hạn chế; hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao.

Điều này được thể hiện rõ nét ở vấn đề đất nông nghiệp/quyền sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ khi việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất, chưa minh bạch.

Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch;  cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra.

Dẫn số liệu của VCCI, ông Sinh cho biết có 45% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước và FDI được hưởng ưu đãi về thuế lớn.

“Hiện tượng lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu cũng tồn tại khi có 70% doanh nghiệp cho rằng ‘nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai, v.v.) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen, có quan hệ với cán bộ công quyền’. Việc tiếp cận thông tin thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp, để có thông tin hay tài liệu của tỉnh, 69% doanh nghiệp cho rằng cần phải có ‘mối quan hệ’”, ông Sinh cho hay.

Vấn đề thứ ba, theo ông Sinh, là thị trường vẫn chưa là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển.

Một số thị trường vẫn còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học công nghệ.

Cụ thể, thị trường đất đai nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp tồn tại nhiều bất cập như: quy mô đất nông nghiệp của các hộ nông nghiệp ít thay đổi, nhỏ lẻ, manh mún, gây rất nhiều khó khăn cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển lớn.

Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Một số phân đoạn thị trường còn phát triển méo mó, các nguyên tắc thị trường chưa được vận dụng hiệu quả. Thị trường bất động sản ở một số đô thị lớn, như thị trường nhà ở, nhà chung cư tăng trưởng nóng, thiếu kiểm soát.

Thị trường khoa học – công nghệ quy mô còn nhỏ, kết nối cung – cầu còn nhiều hạn chế. Các nghiên cứu khoa học và công nghệ có tính ứng dụng thấp, ít gắn kết với thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Năng lực nghiên cứu của các viện, trung tâm nghiên cứu thấp. Các doanh nghiệp ít có nhu cầu mua bán, chuyển giao công nghệ ở trong nước.

Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các yếu tố sản xuất chưa phản ánh đúng quan hệ cung – cầu thị trường, dẫn đến việc phân bổ nguồn lực nhà nước chưa thực sự theo thị trường, sử dụng kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí.

Về quản trị nhà nước, ông Sinh nhấn mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn thấp.

“Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm…

“Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Trung ương và tính năng động, chịu trách nhiệm của địa phương”, ông Sinh phân tích.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng.

Cụ thể, theo báo cáo phòng chống tham nhũng 2018, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực còn xảy ra phổ biến; còn xảy ra sai phạm, tham nhũng ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật.

“Báo cáo PAPI chỉ ra tình trạng phải đưa “lót tay”, “chung chia”, “bồi dưỡng” vẫn còn. Báo cáo PCI cũng cho biết 54,8% doanh nghiệp phải chi chi phí không chính thức, 58,2% doanh nghiệp cho biết có sự nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước; 48,4% doanh nghiệp cho rằng chi “hoa hồng” là cần thiết để thắng thầu…”, ông Sinh nói.

Theo vietnamfinance.vn