web analytics

Trung Hòa (Chương Mỹ): Hãi hùng cơ sở chế biến thực phẩm đe dọa sức khỏe người tiêu dùng 28/03/2022

(KDTT) – “Gà chết” bốc mùi hôi thối vất la liệt khắp sàn, nước lẫn máu gà chảy lênh láng khắp nơi, ruồi nhặng bậu kín xung quanh nhà xưởng… Điều đặc biệt là cơ sở không được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điệu kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và không có hệ thống thu gom xử lý nước thải , nhưng hộ kinh doanh nhà bà Trần Thị Thắm trú tại thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ vẫn ngang nhiên hoạt động 10 năm qua, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và gây ảnh hưởng môi trường xung quanh khu dân cư.

Thời gian gần đây, Tòa soạn nhận được phản ánh của người dân thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội về việc hộ kinh doanh gà và sản xuất mỡ, tóp mỡ hoạt động không đảm bảo VSATTP và gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, hộ kinh doanh này nằm xen kẽ trong khu dân cư đông đúc đã nhiều năm qua.

Gà chết thâm đen, bốc mùi đang được pha lóc, chế biến tại cơ sở.

Nhận được phản ánh trên, phóng viên (PV) trực tiếp xuống cơ sở chế biến thực phẩm bà Trần Thị Thắm để tìm hiểu sự việc. Trong vai người có nhu cầu bán các loại “gà chết” tại các trang trại đang quản lý, PV đã thâm nhập vào bên trong cơ sở. Thật kinh ngạc, khi chứng kiến cảnh tượng hãi hùng trong khu sản xuất bốc lên mùi hôi thối, khó chịu. Theo ghi nhận của PV, khu chế biến rộng khoảng 300 -400 m2, có 4 công nhân đang làm việc tại các khu: quay lông gà, khu pha lóc, khu sơ chế , khu nấu mỡ… Điều đập ngay vào mắt PV là khu nhà xưởng nhơ nhớp, cáu bẩn, nước lẫn máu gà chảy lênh láng khắp nơi. Đặt biệt hàng loạt “gà chết” đã được làm sạch lông vứt la liệt trên sàn bếp bốc mùi hôi thối được một người phụ nữ trung tuổi đang ngồi lọc bỏ các phân đoạn của con gà ra thành từng phần khác nhau để sơ chế. Trong quá trình đi tham quan theo lời giới thệu của chủ cơ sở, PV đề cập đến việc có số lượng lớn “gà chết” cần cung cấp thì giá cả thế nào? Bà Trần Thị Thắm niềm nở cho biết: “Gà chết tôi mua từ trước tới nay ở các trang trại trên Hòa Bình là khoảng 2.000đ – 2.500đ/1kg. Nếu bên chị cung cấp với số lượng lớn thì tôi lấy giá 3.000đ/kg. Còn lợn chết phải hơn 20 kg trở lên tôi mới mua và mua theo con. Nhà tôi làm ở đây bao nhiêu năm rồi nên yên tâm”. Cũng theo lời Bà Thắm: “Trước đây, Bà chuyên sản xuất mỡ lợn, sau thị trường thay đổi bà quay sang thu mua “gà chết” ở các trang trại. Con trai bà là người chuyên đi vận chuyển gà từ các trang trại ở Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… cứ nơi đâu có gà chết do bệnh hay ngạt khí…, người ta gọi là bà cho con trai đi lấy. Vừa rồi, mùng 6 tết, cháy trại gà nhà Hà Lê ở gần sân Golf, Hòa Bình, bà mua được 3 tấn “gà chết” chở về đây để chế biến. Khi PV đề cập đến lượng “gà chết” đó mua về để làm gì thì bà Thắm cho biết: “Xương tôi lọc ra bán cho công ty CP làm thức ăn chăn nuôi, còn thịt lọc ra bán cho các cơ sở khác, con nào không bán được thì cho vào nấu thành mỡ rồi có người đến lấy. Mỗi lần lấy cũng được khoảng 4- 6 tấn mỡ. Ngày trước, mỗi lần tôi bán 10 tấn mỡ. Giờ thì ít hơn rồi! Cũng trong quá trình quan sát, PV ghi nhận tại thời điểm 14h ngày 16/03/2022 có khoảng 2 tạ “gà chết” đang được pha lóc ra những thành phẩm khác nhau. Đi sâu vào khu chế biến bên trong là 3 phi mỡ có trọng lượng tương đối lớn đang được nấu sôi bởi những nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, phía bên trên thùng mỡ nổi lên lèo phèo các phần váng đã được ép hết mỡ, đen kịt, không có nắp đậy. Dụng cụ nấu mỡ thì đóng cặn, bẩn thỉu mất vệ sinh. Điều đáng nói là cơ sở này không có hệ thống thu gom nước thải, không có bể lắng đọng mà thải trực tiếp ra ao cá.

Máu gà chảy tràn ra sàn không có hệ thống thu gom riêng.

Liên quan đến việc cơ sở chế biến thực phẩm bẩn trong khu dân cư, một người dân thôn Chi Nê cho biết: “Cơ sở này hoạt động lâu rồi, có mấy thế hệ làm thịt gà, tóp mỡ trong gia đình. Họ lấy “gà và lợn chết” ở khắp nơi chở về, chúng tôi không bao giờ sử dụng sản phẩm này, nhìn mất vệ sinh lắm. Họ còn không đầu tư hệ thống thu gom nước thải mà thải trực tiếp xuống ao. Mỗi lần mưa xuống, nước bốc lên mùi tanh rất khó chịu. Chúng tôi e sau này sẽ ảnh hưởng chung đến nguồn nước sinh hoạt của các gia đình xung quanh.”

Khu nấu mỡ bẩn thỉu mất vệ sinh vẫn đang hoạt động.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý của địa phương, chiều ngày 24/3/2022, PV có buổi làm việc với lãnh đạo xã Trung Hòa. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Giang – Phó Chủ tịch xã cho biết: “Trước tiên chúng tôi xin được cám ơn cơ quan báo chí đã thông tin về cơ sở sản xuất bà Trần Thị Thắm, cơ sở này có đầy đủ giấy tờ, đăng ký sản xuất kinh doanh từ năm 2013, xã cũng thường xuyên xuống tuyên truyền, kiểm tra. Tuy nhiên chưa phát hiện thấy có vấn đề gì, họ cũng chấp hành đầy đủ các quy định đề ra”. Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ pháp lý của hộ bà Thắm thì được ông Giang cung cấp cho: giấy đăng ký kinh doanh, giấy tập huấn ATTP và hợp đồng nguyên tắc bán gà của một công ty cho hộ bà Thắm. Còn lại các giấy tờ như: giấy xác nhận đủ điều kiện VSATTP, cam kết bảo vệ môi trường, hợp đồng, hóa đơn, cung ứng gà và mỡ ra thị trường thì không hề có.

Thùng mỡ “đen ngòm’ được nấu bởi những con “gà chết, lợn chết” lâu ngày..

Từ thực tế ghi nhận có thể thấy rằng, việc cơ sở sở kinh doanh thực phẩm của Bà Thắm vi phạm quy định về ATTP và VSMT đã quá rõ ràng. Vậy nhưng chính quyền sở tại lại khẳng định cơ sở đầy đủ giấy tờ và chấp hành đúng các quy định? Qua đây dư luận có quyền đặt câu hỏi. Mỗi lần kiểm tra, không biết ông Giang – Phó chủ tịch xã căn cứ vào đâu để khẳng định cơ sở chấp hành đầy đủ các quy định. Đồng thời việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh, chế biến thực phẩm thực hiện thế nào, có lẽ lãnh đạo địa phương này cũng không hề hay biết. Cơ sở sản xuất của nhà bà Thắm tồn tại hàng chục năm qua, mất VSATTP như vậy không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm bẩn và bảo vệ môi trường trong khu dân cư, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện Chương Mỹ và các ban ngành liên quan để chấn chỉnh, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn của hộ bà Trần Thị Thắm tại thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, Chương Mỹ. Đồng thời làm rõ vai trò quản lý nhà nước của chính quyền xã Trung Hòa trong việc để tồn tại cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn nhiều năm qua.

Bà Lê Thị Thắm- chủ hộ đang biện minh cho các hoạt động của mình.

Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

1. Những người thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

“a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

đ) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%”.

 

Bạn đang đọc bài viết Trung Hòa (Chương Mỹ): Hãi hùng cơ sở chế biến thực phẩm đe dọa sức khỏe người tiêu dùng tại chuyên mục Cộng đồng.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo SK&MT