web analytics

Trí tuệ Việt trong các sản phẩm khoa học – công nghệ phòng chống Covid -19 23/03/2020

(KDTT) – Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, rất nhiều các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ “made in Viet Nam” đã được sáng tạo và đưa vào triển khai trong công tác phòng chống dịch COVID-19, góp phần tích cực trong việc điều trị, phòng ngừa và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Điều này cho thấy hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã mở rộng, không chỉ các đơn vị nghiên cứu Nhà nước mà có sự tham gia của đơn vị nghiên cứu tư nhân, sự tài trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ.

Việt Nam chế tạo thành công bộ kít thử SARS-CoV-2

Công ty Công nghệ Việt Á, đơn vị phối hợp với Học viện Quân y sản xuất bộ kit test SARS-CoV-2 là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, có trụ sở tại TP.HCM.

Với thành tựu này, Việt Nam là một trong số ít các nước sản xuất thành công bộ kit test SARS-CoV-2. Bộ kit này sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR), sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn ISO 13485, Labo kiểm định tiêu chuẩn ISO Class 8. Bộ kit được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại. Kết quả cho thấy các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất. Hiện đã có rất nhiều quóc gia trên thế giới đặt vấn đề nhập khẩu bộ kit test SARS-CoV-2 của Việt Nam.

Việt Nam là một trong số ít các nước sản xuất thành công bộ kit test SARS-CoV-2.

Thiết kế và chế tạo ra buồng khử khuẩn toàn thân di động.

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) kết hợp với Trường đại học Bách Khoa Hà Nội vừa thiết kế và chế tạo ra buồng khử khuẩn toàn thân di động để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng nước muối ion, an toàn tuyệt đối cho sức khỏe.

Buồng khử khuẩn toàn thân di động để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương – Viện KH&CN Môi trường (Đại học Bách Khoa), đồng thời là thành viên trong nhóm nghiên cứu chia sẻ: Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sát khuẩn luôn luôn được chúng ta quan tâm đặt lên hàng đầu. Vào giữa tháng 2/2020, Viện và Trường đã đưa ra ý tưởng chế tạo chiếc máy khử khuẩn tích hợp các công nghệ sát khuẩn để đưa vào trong một thiết bị nhỏ gọn, giúp sát khuẩn cơ thể.

Cụ thể, loại buồng đầu tiên sử dụng nước muối ion hóa dạng phun sương toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể. Phần chính của hệ thống là máy phun sương 360 độ kết hợp với cảm biến hồng ngoại lắp đặt bên trong buồng giúp tự động kích hoạt quá trình phun khử khuẩn khi có người đi qua. Bình thường việc khử khuẩn hay dùng Cloramin B, nhưng dùng Cloramin B lại có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng nước muối ion cho nên an toàn tuyệt đối. Khi phun lên người mà hít nước muối ion vào chúng ta vẫn có thể sát khuẩn mũi và họng mà không bị kích ứng. Vì vậy có thể được đưa vào ứng dụng ở các nơi có yêu cầu sát khuẩn như bệnh viện, các khu vực cách ly, doanh nghiệp sản xuất có yêu cầu sạch như chế biến thực phẩm, dược phẩm.

Một hệ thống buồng khử khuẩn này sau khi lắp đặt hoàn chỉnh có thể đáp ứng công suất khử khuẩn lên tới 1.000 người/ngày.

Chế tạo và đưa vào sử dụng hệ thống đo thân nhiệt từ xa.

GS.TSKH Bùi Văn Ga – nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT – đã sáng chế, đưa vào sử dụng hệ thống đo thân nhiệt từ xa để phòng chống COVID-19. Hiện hệ thống đang được sử dụng tại ĐH Đà Nẵng và GS muốn chuyển giao miễn phí để phục vụ cộng đồng.

Hệ thống đo thân nhiệt từ xa để phòng chống COVID-19

Theo ông, đây là một hệ thống rất đơn giản, sử dụng các vật tư có sẵn trên thị trường nên giá thành rất thấp, việc chế tạo khá nhanh. Cơ bản gồm máy đo nhiệt độ thân nhiệt hồng ngoại thông thường mà nhân viên y tế hay dùng; 1 webcam; 1 hệ thống điều khiển công tắc máy đo thân nhiệt; 1 thiết bị nâng hạ độ cao máy đo để phù hợp với chiều cao từng người. Nhân viên y tế có thể thực hiện công việc quan sát và đo thân nhiệt từ xa cho khách trong phòng cách ly, có cửa kính. Như vậy, việc sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa đảm bảo không có sự tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người được đo, nhờ đó hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo mùa dịch Covid-19.

Khi cần đo, khách chỉ cần đến gần máy đo nhiệt, kết quả được chuyển về máy tính của nhân viên y tế qua Internet. Điều thuận lợi là hệ thống có kết nối Internet tới máy tính nên nhân viên y tế có thể ngồi ở bất cứ nơi nào cũng có thể đo được.

Điều đặc biệt là trong khi hệ thống đo thân nhiệt từ xa trên thị trường có giá thấp cũng gần 300 triệu đồng, còn hệ thống do GS Ga nghiên cứu, sáng chế ra chưa tới 10 triệu đồng.

Sau khi hệ thống được đưa vào sử dụng ở ĐH Đà Nẵng, GS Bùi Văn Ga mong muốn phổ biến, chuyển giao miễn phí công nghệ này tới các cơ quan, trường học và bất cứ ai có nhu cầu sử dụng để phòng chống COVID-19.

Ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI

Ngày 10-3, ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI do Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Y tế công bố đã xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng Google Play, dành cho những người dùng điện thoại hệ điều hành Android.

Ứng dụng cũng được gửi lên App Store cho người dùng điện thoại hệ điều hành iOS và đang là ứng dụng được tải về nhiều nhất hiện nay.

Ứng dụng NCOVI do Tập đoàn VNPT cùng một số công ty công nghệ phát triển theo đơn đặt hàng của Bộ Thông tin – truyền thông và Bộ Y tế, nhằm hỗ trợ người dân toàn quốc khai báo y tế.

Ứng dụng khai báo y tế NCOVI đang là ứng dụng được tải về nhiều nhất hiện nay.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc sử dụng ứng dụng NCOVI để khai báo thông tin y tế, tình trạng sức khỏe cá nhân… là không bắt buộc, nhưng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Bộ Y tế khuyến khích người dân tự nguyện khai báo, cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Mục đích đạt được của ứng dụng là cho phép người dân khai báo thông tin sức khỏe của bản thân và gia đình mọi lúc, mọi nơi hoặc phản ánh thông tin dịch bệnh, đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh khu vực mình sinh sống.

Đưa vào sử dụng phòng cách ly áp lực âm.

Phòng cách ly áp lực âm (gọi tắt là phòng áp lực âm) là phòng bệnh được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm các bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp như: viêm phổi do cúm A/H5N1, H7N9, SARS-CoV, MERS-CoV và gần đây là bệnh COVID-19. Các bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã chẩn đoán xác định các bệnh nêu trên đều cần phải cách ly để điều trị và phòng áp lực âm là lý tưởng nhất.

Phòng cách ly áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng chính. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm, được lọc sạch rồi đi vào phòng chính, sau đó thoát ra ngoài qua khu vực vệ sinh dành cho bệnh nhân.

Phòng cách ly chống lây nhiễm hiệu quả.

Không khí trong phòng cách ly áp lực âm được thay đổi ít nhất 12 lần trong 1 giờ. Phương pháp đóng pano tường, sử dụng hệ thống kiểm soát áp suất, kiểm soát nhiệt độ, bộ lọc Hepafilter và hệ thống dẫn khí sẽ giúp duy trì áp lực trong phòng luôn âm và không khí đi theo một chiều. Bệnh nhân được điều trị tại phòng áp lực âm sẽ giảm được sự lây truyền các bệnh qua không khí, đặc biệt là các bệnh lý hô hấp do virus.

Hiện nay ở Việt Nam, phòng cách ly áp lực âm đang được công ty Cp Công nghệ Airtech Thế Long sản xuất. Để chung tay góp phần điều trị và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm cho một số cơ sở y tế, bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân có các triệu chứng trên, vừa qua công ty Airtech Thế Long đã tiến hành trao tặng gói thiết bị y tế trị giá 05 tỷ bao gồm các phòng áp lực âm và các hệ thống máy lọc khí sạch tuần hoàn do công ty sản xuất cho một số cơ sở y tế như : Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương, Sở Y tế Vĩnh Phúc, Sở Y tế Thanh Hóa, Sở Y tế Tuyên Quang…góp phần đáng kể trong công tác phòng chống và điều trị cho các bệnh nhâm lây nhiễm Covid – 19.

Theo KDPT