web analytics

Tranh luận về ô nhiễm không khí ở Hà Nội Dù có nhất thế giới hay không, cũng đã ở ngưỡng báo động 03/10/2019

(KDTT) – Khoảng một tuần qua, thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới khiến người dân hoang mang. Đây là thông tin dựa theo bảng xếp hạng của AirVisual – một phần mềm ứng dụng đo chất lượng không khí. Nền tảng này cung cấp chỉ số chất lượng không khí của hơn 10.000 thành phố ở 80 quốc gia. Ngoài ra, ứng dụng này còn được trang bị thêm tính năng dự đoán chất lượng không khí trong tương lai, nhờ công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo.

Liên tục nhiều ngày qua, ứng dụng AirVisual cho thấy chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội ở mức xấu, thậm chí có ngày ở mức là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo.

Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phản bác thông tin chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở Hà Nội chiếm vị trí số 1 thế giới, cho rằng các số liệu thống kê chưa đầy đủ, không khách quan.

Theo ứng dụng của AirVisual, chỉ số AQI của Hà Nội luôn ở mức cao.

“So sánh chỉ số AQI đó mà kết luận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. Tại những website thống kê này, họ lấy số liệu từ 1 trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc của chúng tôi. Vì vậy số liệu này không đại diện cho cả thành phố và cũng không chính xác”, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường nhấn mạnh.

Để đánh giá được chính xác chất lượng không khí cả thành phố, số liệu phải lấy từ nhiều trạm, mỗi trạm lấy nhiều lần trong các thời điểm khác nhau của ngày. “Nếu chỉ lấy số liệu ở 1 thời điểm, từ 1 trạm quan trắc trong thành phố rộng hơn 3.300 km2 thì không thể chính xác, khách quan được”, vị này nhận xét.

Theo GS, TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội cần dựa trên kết quả đo kiểm tại nhiều điểm khác nhau và các thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu chỉ có thông tin quan trắc đo một vài điểm thì chưa đủ căn cứ để đánh giá.

Tuy nhiên, dù vẫn còn tranh cãi về việc liệu Hà Nội có nằm trong top ô nhiễm không khí nhất thế giới hay không, thì một thực tế ai cũng phải thừa nhận, Thủ đô của chúng ta đang ô nhiễm không khí ở ngưỡng báo động và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng.

Không khí Hà Nội ngày càng ô nhiễm.

Chưa cần phải theo dõi thông tin, các chỉ số chuyên sâu, chỉ quan sát bằng mắt thường, ai cũng dễ dàng nhận thấy, bầu không khí Thủ đô gần đây bị phủ bởi một lớp sương bụi màu trắng đục. Bụi mịn, lởn vởn và bám ở tầm thấp mà không tiêu tán lên cao.

TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định, ngoài nguyên nhân về thời tiết, khí hậu, có nguyên nhân rất lớn do chính hoạt động của con người. Hiện nay ở Hà Nội và khu vực lân cận có quá nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được di dời, cần phòng tránh, ngăn ngừa, thay vì để xảy ra ô nhiễm, lúc đó mới loay hoay tìm cách xử lý.

GS Trương Quang Học – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, phương tiện giao thông cũ, mật độ cao, ùn tắc cũng là nguyên nhân quan trọng gây nên khói bụi. Mặc dù vậy, theo GS Trương Quang Học, hiện có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, nhưng lại xảy ra thực tế chồng chéo, bất cập trong vấn đề quản lý giữa các bộ, ngành, dẫn đến lúng túng trong phản ứng khi có diễn biến ô nhiễm xấu.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị An lại cho rằng, không khí giai đoạn vừa rồi rất đáng báo động, không chỉ riêng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng mà hầu như tại nhiều vùng miền khác nước ta. Bởi lẽ, nếu môi trường không khí trong lành thì nguyên nhân do thời tiết (hiện tượng nghịch nhiệt) cũng không ảnh hưởng quá lớn. Hiện nay, việc cần làm là nghiên cứu, đánh giá một cách chính xác nguyên nhân, ngành nào, lĩnh vực nào gây ô nhiễm, với tỷ lệ bao nhiêu. Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải là đầu mối chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ; đối với các tổ chức chính trị xã hội khác thì nên có giám sát. Tuyệt đối không đánh đổi vì kinh tế mà hủy hoại môi trường.

Theo KDPT