web analytics

Trái cây vụ hè 2019: Thương lái tranh nhau “săn” hàng 03/07/2019

(KDTT) – Do ảnh hưởng của thời tiết, vụ thu hoạch trái cây hè 2019 ở Đông Nam bộ trễ hơn cả tháng khiến thương lái không gom được hàng, giá bán đẩy lên cao…

Chủ vườn bưởi da xanh VietGAP Đặng Tuấn Thành ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) chia sẻ: Hiện tại nhiều vườn mới chỉ cho trái bói và trái đợt đầu. Chính vì nguồn trái đang hiếm nên giá bán ở mức khá cao.

Nhà vườn Đồng Nai thu hoạch bưởi đầu mùa bán giá cao

Cụ thể, giá sầu riêng rụng bán tại vườn lên đến 80.000 đồng/kg, sầu riêng cắt già 60.000 – 65.000 đồng/kg. Chôm chôm Java từ 12.000 – 14.000 đồng/kg; chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái từ 22.000 – 28.000 đồng/kg; măng cụt 60.000 đồng/kg… So với cùng kỳ năm ngoái thì giá này cao gấp rưỡi đến gấp đôi.

Ông Nguyễn Văn Phong (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết: “Vụ trái cây hè năm ngoái, vườn măng cụt gia đình tôi trĩu quả, thu hoạch được gần tạ trái/ngày, nhưng mấy ngày qua vào vườn gom cả ngày cũng chỉ được 30 – 40kg”.

Gia đình ông Phong trồng hơn 200 gốc măng cụt, năm nay vườn trái cây không những cho trái trễ mà sản lượng giảm rõ rệt. Năm 2018 nếu như vườn măng cụt của gia đình ông cho thu về từ 6 – 7 tấn thì năm nay chỉ ước đạt khoảng 4 tấn.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Hải (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) trồng hơn 1,5ha chôm chôm, mỗi năm thu từ 6 – 8 tấn. Năm nay bà Hải ước tính sản lượng chỉ bằng 60 – 70% so với năm ngoái. Dù chôm chôm đang có giá bán cao nhưng vườn vẫn chưa có để thu hoạch.

Dù giá bán trái cây đầu vụ khá cao, nhưng nhiều nông dân lại tỏ ra lo lắng khi tháng sau đồng loạt các loại trái cây sẽ rộ vụ, giá bán có thể lại giảm mạnh, đầu ra sẽ khó khăn hơn khi thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe.

Ông Phùng Thanh Tâm, giám đốc HTX Bình Lộc lo lắng: “Nhiều nhà vườn do vẫn chưa thực hiện đăng ký mã số vườn trồng để truy xuất nguồn gốc nông sản nên chưa đủ điều kiện cho xuất khẩu. Đầu ra của trái cây hè sắp tới vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và chủ yếu là tiêu thụ nội địa”.

Tương tự, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) cũng cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, nhiều lô sầu riêng “đóng” đi Trung Quốc bị chặn lại ở cửa khẩu không xuất được, buộc phải chở về bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc, thậm chí chở ngược về địa phương tiêu thụ. Nguyên nhân là do mặt hàng sầu riêng chưa đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch, lâu nay vẫn thường xuất “chui” theo đường tiểu ngạch…”.

Theo bà Nga, điều đáng lo ngại khi các mặt hàng trái cây xuất khẩu như mít, chôm chôm, xoài… đến nay muốn xuất đi Trung Quốc cũng phải thực hiện đăng ký mã truy xuất nguồn gốc nông sản, nhưng đa số nông dân hiện vẫn lơ là, chưa quan tâm vì cho rằng thương lái thu mua chưa ai yêu cầu.

Theo Nông nghiệp VN