web analytics

TP. Hồ Chí Minh: Tiếp sức cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ 10/09/2019

(KDTT) – Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) hướng đến ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của TP. Hồ Chí Minh có thể được hỗ trợ đến 100% tổng kinh phí từ ngân sách.    

Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP. Hồ Chí Minh đang triển khai 388 nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, triển khai mới 103 nhiệm vụ. 76% các nhiệm vụ KHCN tập trung hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố và góp phần giải quyết các vấn đề như giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông. Tham gia xây dựng Đề án thành phố thông minh, phục vụ sức khỏe người dân và nghiên cứu chọn tạo các giống mới phục vụ nông nghiệp.

Ngành KHCN triển khai ứng dụng GIS trên nhiều lĩnh vực

Trong số 103 nhiệm vụ triển khai, 44,7% nhiệm vụ có sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa như: công nghệ và thiết kế, chế tạo chuỗi khuôn dập liên hoàn sản phẩm từ kim loại tấm, hệ thống chiếu sáng thông minh công cộng sử dụng đèn LED, sản phẩm băng gạc kháng khuẩn phục vụ y tế.

Ngoài ra, Sở KHCN cũng chú trọng hoạt động phát triển tiềm lực KHCN như: Xây dựng cơ sở dữ liệu, mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hỗ trợ 04 ngành công nghiệp trọng yếu thông qua việc số hóa, kết nối cơ sở dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia và 57 DN KHCN lên cổng thông tin Mạng liên kết Thông tin KHCN TP. Hồ Chí Minh (stinet.gov.vn). Thực hiện mở rộng phạm vi kết nối, chia sẻ thông tin KHCN với 13 đơn vị mới, hệ thống đã liên kết dữ liệu của 27 đơn vị, cập nhật 146.307 tài liệu thư mục, trong đó có hơn 13.000 tài liệu toàn văn…

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KHCN, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu và thúc đẩy phát triển tiềm lực KHCN, Sở KHCN TP. Hồ Chí Minh thực hiện triển khai các gói hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt là các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN hướng đến ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố sẽ được hỗ trợ lên tới 100% tổng kinh phí từ ngân sách. Đối tượng tham gia là các tổ chức khoa học và công nghệ, trường, viện, tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc DN KHCN.

Ngoài ra, Sở cũng có các gói hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu để đổi mới, cải tiến công nghệ, sản phẩm hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường. Theo đó, các DN, tổ chức KHCN sẽ nhận được phần kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách thành phố tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ được xem xét giao quyền sở hữu không thu hồi phần kinh phí hỗ trợ hoặc giao quyền sử dụng phần tài sản thuộc về Nhà nước. Các hoạt động sản xuất thử, thử nghiệm sản phẩm để hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường cùng với nghiên cứu chuyển giao công nghệ cũng có thể nhận được gói hỗ trợ này.

Điều kiện tham gia các gói hỗ trợ này là đơn vị, DN phải có có kinh phí đối ứng ít nhất đến 70% tổng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ. Ưu tiên các nhiệm vụ có sự liên kết, phối hợp của một hoặc nhiều DN với một hoặc nhiều tổ chức KHCN. Ngoài ra, cũng triển khai gói hỗ trợ thúc đẩy hoạt động trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sẽ được hỗ trợ kinh phí tối đa tới 150 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh- Phó giám đốc Sở KHCN TP. Hồ Chí Minh Nghị định số 13 của Chính phủ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các DN trở thành DN KHCN để được hưởng các chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước. DN đạt chứng nhận là một sự nỗ lực lớn nhưng cũng cần có một bộ phận chuyên trách để thực hiện các thủ tục để nhận được ưu đãi. Để thực hiện việc này thời gian qua Sở đã có những phối hợp với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để cùng nhau đưa ra một quy trình thống nhất nhằm hỗ trợ tối đa cho DN KHCN trong vấn đề quyết toán thuế. Tạo những điều kiện tốt nhất nhằm có một hành lang pháp lý thông thoáng để gia tăng nhanh số lượng DN KHCN.

Theo Báo Công thương