web analytics

TP Hồ Chí Minh: Quản lý chặt hoạt động sản xuất và sử dụng hóa chất 25/09/2019

(KDTT) – Thực tế đã có không ít những vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sản xuất, vận chuyển và sử dụng hóa chất. Để khắc phục, các chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động hóa chất.

Nguy cơ cháy nổ cao

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Trong đó, hóa chất công nghiệp có khoảng 400 cơ sở, phân bố chủ yếu ở các quận 5, 10, 11, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp. Trong đó, chợ Kim Biên (quận 5) được xem là “điểm nóng” về buôn bán hóa chất. Hay trên các tuyến đường Phan Văn Khỏe, Kim Biên, Gò Công, Phùng Hưng, Vạn Tượng… cũng dễ dàng tìm thấy các cửa hàng chuyên bán hóa chất công nghiệp.

Việc liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất thời gian vừa qua, không chỉ tổn hại về vật chất mà còn đe dọa tính mạng con người. Theo Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Đỗ Duy Phi, nguyên nhân của tình trạng này là do hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng liên quan đến hóa chất thường nằm đan xen trong các khu dân cư, nhưng các doanh nghiệp này lại chưa thật sự quan tâm đến phòng chống cháy nổ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cập nhật thông tin về phiếu an toàn hóa chất chưa đầy đủ, không có nhãn mác, không sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, bố trí kho chưa ngăn nắp…

Nghiêm trọng hơn, tình trạng hóa chất rơi vãi tại khu sản xuất, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người vẫn xảy ra. Nguy cơ cháy nổ cao và hậu quả lớn, nhưng những người đứng đầu các cơ sở kinh doanh, tàng trữ hóa chất hầu như vẫn còn xem nhẹ công tác bảo quản cũng như bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong khi, bộ máy nhân sự quản lý hóa chất tại các địa phương còn mỏng, nhiều địa phương thiếu cán bộ chuyên môn nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn lúng túng.

“Việc chủ cơ sở hoặc chính bản thân người lao động trực tiếp làm việc, tiếp xúc với hóa chất hiện còn thiếu ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, hay chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng biện pháp nhằm bảo đảm an toàn hóa chất một cách tuyệt đối là rất nguy hiểm. Bởi, chỉ một chút lơ là trong quản lý kho bãi, bảo quản, cách nhiệt… cũng có thể xảy ra sự cố hoặc cháy nổ hóa chất” – ông Đỗ Duy Phi cho hay.

Cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp ở khu vực chợ Kim Biên (quận 5, TP Hồ Chí Minh)
Nguồn: ITN

Nâng cao năng lực quản lý

Hóa chất là ngành có nguy cơ gây cháy nổ cao, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, để khắc phục, các cá nhân, doanh nghiệp có sử dụng, kinh doanh hóa chất phải chú trọng thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về phòng chống cháy nổ phải được làm thường xuyên, không lúc nào được lơ là, chủ quan.

Cụ thể, các doanh nghiệp phải thường xuyên bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn hóa chất; có cán bộ chuyên trách về an toàn hóa chất, có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất. Đồng thời, chủ doanh nghiệp và công nhân lao động phải có ý thức rất cao trong việc phòng ngừa.

Tổng Thư ký Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam Đỗ Thanh Bái cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực công tác quản lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất. Theo đó, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất; bảo đảm đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định này. Đơn cử như Nhà máy hóa chất Tân Bình 2, Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam. Theo đó, trong quá trình vận hành, công ty luôn đào tạo, kiểm tra kiến thức chuyên môn cho nhân viên; định kỳ kiểm định kiểm tra an toàn các thiết bị; lắp đặt camera giám sát các vị trí quan trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy duy trì tự động; đặc biệt là thường xuyên diễn tập biện pháp ứng phó với các sự cố hóa chất xảy ra. Hay tại Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, đối với các hóa chất nguy hiểm sử dụng để sản xuất, công ty luôn có chế độ giám sát đặc biệt…

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Đỗ Duy Phi, cùng với các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất, các cơ quan ban ngành cũng cần đẩy mạnh công tác quản lý; thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động hóa chất. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm chế độ xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về hoạt động hóa chất và môi trường.

Theo Báo Đại biểu nhân dân