(KDTT) – Thường trực Tổ công tác của Chính phủ vừa công bố kết quả rà soát, kiểm tra Hồ sơ của Bộ GTVT trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Theo đó, tổ công tác cho biết, luật Giao thông đường bộ quy định rõ có 5 loại hình vận tải hành khách bằng ôtô. Nghị định phải cụ thể hóa và quy định cụ thể về 5 loại hình vận tải này. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về 5 loại hình trên, đặc biệt chưa định nghĩa đúng về taxi và xe hợp đồng điện tử.
Hiện tại, dự thảo Nghị định 86 nêu: “Kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hàng hóa, quyết định giá cước”.
Tổ công tác cho rằng, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe công nghệ như Grab, Uber chính là loại hình taxi. Đối tượng này phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi bằng cụm từ “xe hợp đồng điện tử” để lách luật, trốn thuế, né được nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.
Vì vậy, Tổ công tác kiến nghị Bộ Giao thông nghiên cứu, làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải bằng ứng dụng phần mềm như Grab, Uber. Cơ quan này lý giải, sự khác nhau hiện nay giữa Grab, Uber với taxi truyền thống là Grab, Uber ứng dụng phần mềm thay thế phương pháp điều hành truyền thống, đổi mới công tác quản lý… nên giá cước rẻ hơn taxi truyền thống. Tuy nhiên, đây là hiệu quả kinh doanh làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, không phải vì như vậy mà gọi là loại hình “hợp đồng điện tử” để không chịu sự quản như lý như taxi.
Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức, cách thức giao kết hợp đồng, kết nối gọi taxi, không phải là loại hình vận tải (như tuyến cố định, taxi…). Thực tế, nhiều hãng taxi truyền thống đều đã sử dụng phần mềm tương tự như Grab, Uber trong việc kết nối, đặt xe, tính cước… Như vậy, nếu theo như dự thảo nghị định, các hãng taxi này không được gọi là loại hình taxi, mà thuộc “hợp đồng điện tử”.
Do đó, Tổ công tác yêu cầu Bộ Giao thông cần có các quy định chặt chẽ để Uber, Grab chịu sự quản lý như taxi truyền thống. Đồng thời, không thể gọi đó là loại hình “Hợp đồng điện tử” làm phát sinh thêm loại hình vận tải mới, không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Trước đó, tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ ngày 16/10, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tỏ ý không hài lòng về dự thảo sửa đổi Nghị định 86. “Dự thảo Nghị định này không những không gỡ khó mà đưa ra thủ tục phức tạp hơn quy định cũ”, ông nhận xét.
Trong khi đó, đề cập tới điều kiện kinh doanh taxi, ông Nguyễn Công Hùng – Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, đang có quan điểm cố tình đánh tráo khái niệm khi nói ôtô chở khách hoạt động kiểu Uber, Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử.
“Có ý kiến bao biện rằng nếu coi Uber, Grab là taxi sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ, rất vô lý. Quy định taxi truyền thống hay taxi công nghệ thì đều là taxi sẽ đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó sẽ có lợi nhuận cao hơn”, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô lập luận.
PV
Nguồn KDPT