web analytics

Tin nóng bất động sản tuần qua: ‘Sốt đất’ mỗi dịp giáp tết Nguyên Đán lại tiếp tục diễn ra? 25/01/2022

(KDTT) – Lại lo ngại sốt đất mỗi dịp giáp Tết Nguyên Đán, giá bất động sản Hà Nội tăng 12 quý liên tiếp, DIC Corp đặt mục tiêu doanh thu hơn 1,7 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2025, duyệt quy hoạch dự án gần 4.000 tỷ đồng của Newland tại Thừa Thiên Huế, loạt thông tin liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết,…là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.

Lại lo ngại sốt đất mỗi dịp giáp Tết Nguyên Đán?

Theo ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc R&D DKRA Vietnam, thời điểm trước và sau Tết, hoạt động giao dịch bất động sản thường rất tích cực, sôi động. Lượng giao dịch mà DKRA thống kê được qua các sàn luôn cao hơn so với các quý khác.

Quay trở lại với thời điểm trước năm 2018 thường có những cơn sốt đất diễn ra trước và sau Tết bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hai năm trở lại đây, những cơn sốt đất trên diện rộng hoặc sốt đất thật sự rất ít.

Theo ông Hoàng, đến năm nay, dịch Covid-19 gây ra những biến động về kinh tế, thu nhập,… khiến thị trường thứ cấp không sôi động nên chưa có tình trạng mọi người đổ xô đi mua đất nền như những giai đoạn trước.

Trước những lo ngại của dư luận về cơn sốt đất tiếp tục diễn vào sát Tết Nguyên đán 2022, ông Nguyễn Hoàng cho biết, nếu gọi là sốt đất trên diện rộng hoặc sôi động như những năm trước thì hầu như không có.

Sốt ảo chỉ xuất hiện ở một vài nơi nào đó, do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng. Những cơn sốt đất ảo như vậy cũng qua đi rất nhanh, khoảng một tuần đến 10 ngày là hết. Bởi vì những nhà đầu tư bây giờ rất thận trọng, quan sát kỹ chứ không chạy theo đám đông.

“Vì vậy, những năm vừa qua, đất đai tại các khu vực gần sân bay Long Thành hoặc gần các tuyến đường cao tốc mà nhà nước đang chuẩn bị đầu tư được hưởng lợi và có những tiềm năng phát triển trong tương lai,… sôi động hơn.

Nhưng sẽ khó sốt đất, bởi nhiều nhà đầu tư hiện nay thận trọng hơn trong việc quan sát thị trường. Hơn nữa, thị trường thứ cấp – tức mua đi bán lại, cũng kém sôi động hơn. Thông thường thị trường thứ cấp phải sôi động thì mới tác động đến thị trường sơ cấp là những người mua ban đầu”, ông Hoàng phân tích.

Mặc khác, ông Hoàng đánh giá các chính sách của nhà nước về việc kiểm soát dòng vốn chovay bất động sản cũng hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường này. Khi tác động đến sức mua sẽ giảm khả năng xảy ra sốt đất.

‘Khan hiếm’ căn hộ trung cấp thời điểm cận Tết?

Do tác động của vấn đề cấp phép và phong tỏa do Covid-19, nguồn cung căn hộ chào bán ra thị trường trong năm 2021 tiếp tục giảm và rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Số liệu từ CBRE Việt Nam cho thấy, tổng cung năm 2021 có khoảng 14.339 căn hộ từ 19 dự án chào bán, giảm 22% theo năm. Phân khúc căn hộ TP Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu phục hồi trong quý cuối cùng của năm 2021 với nguồn cung mới bùng nổ.

Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung trong số đó thuộc về phân khúc cao cấp với 69% nguồn cung mới năm 2021 là nhà ở cao cấp, hạng sang. Căn hộ trung cấp chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30% nguồn cung thị trường trong khi phân khúc bình dân tiếp tục không có nguồn cung mới năm thứ hai liên tiếp. Thị trường ghi nhận dự án siêu sang đầu tiên với mức giá trên 15.000 USD/m2. Phần lớn nguồn cung mới ra mắt tập trung tại khu Đông, chiếm 52%, khu vực phía Tây và phía Nam với thị phần lần lượt là 22% và 17%. Phía Bắc và khu trung tâm, mỗi khu vực ghi nhận một đợt mở bán mới.

Sự áp đảo nguồn cung cao cấp, hạng sang cũng kéo giá bán trung bình năm 2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ, lên mức 53 triệu/m2 (không bao gồm thuế GTGT). Giá sơ cấp trung bình của phân khúc căn hộ trung cấp có tốc độ tăng cao nhất là 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi cao cấp và bình dân tăng khoảng 2%. Các đợt mở bán mới của nhiều dự án tại khu vực ngoại thành như Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức đang khiến giá bán trung bình khu vực này có xu hướng nâng cấp từ tầm giá trung cấp lên cao cấp.

Giá bất động sản Hà Nội tăng 12 quý liên tiếp?

Ở phân khúc căn hộ, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, nguồn cung mới và số lượng giao dịch căn hộ của năm 2021 tại thị trường Hà Nội thấp nhất trong vòng 5 năm qua do giãn cách xã hội kéo dài, tuy nhiên thị trường cuối năm có dấu hiệu phục hồi với tình hình hoạt động được cải thiện. Các chủ đầu tư trong nước và nhà điều hành có thương hiệu đang hợp tác thực hiện các dự án cao cấp. Mặt khác, nguồn cung hiện đang mất cân đối và nhu cầu về căn hộ giá bình dân gia tăng.

Cũng theo bà Hằng, ở thị trường căn hộ, nguồn cung mới trong 3 tháng cuối năm tăng 42% so với quý trước đó, tương đương khoảng 4.500 căn hộ, dù giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giai đoạn tiếp theo của 6 dự án cung cấp 3.600 căn, tương đương 80% nguồn cung mới; 20% còn lại đến từ bốn dự án mới.

Năm 2021, nguồn cung sơ cấp xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, với hơn 33.600 căn, giảm 21%. Nguồn cung mới và hàng tồn kho ở mức thấp.

Số lượng căn bán được đạt 4.200, tăng 72% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ đạt 19% và giá tiếp tục tăng quý thứ 12 liên tiếp. Nguồn cung hạn chế và ảnh hưởng của đại dịch khiến số lượng giao dịch cả năm 2021 đạt 16.100, mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Bà Hằng nhân mạnh nếu phân tích thị trường theo các mức giá, số lượng giao dịch căn hộ hạng B dẫn đầu với 57% số căn bán được, trong khi Hạng C có tỷ lệ hấp thụ cao nhất đạt 69%. Như vậy, trong năm 2021, sản phẩm có mức giá từ 35-46 triệu VNĐ/m2 chiếm 52% số căn bán được, tăng 9% theo năm. Phần lớn các căn hộ trong khoảng giá này tại các quận/huyện Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên và Gia Lâm.

Nhà Thủ Đức (TDH) lại bị cưỡng chế hơn 111 tỷ đồng tiền thuế

Theo thông tin được Thuduc House công bố, Công ty bị Cục thuế TP Hồ Chí Minh cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế số tiền hơn 111,4 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng Thuduc House nhận được những quyết định của cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh về việc chấp hành xử phạt các vi phạm về thuế.

Thuduc House công bố thông tin về việc bị Cục thuế TP Hồ Chí Minh cưỡng chế hơn 111 tỷ đồng tiền thuế.

Novaland có tân Chủ tịch

Ông Bùi Thành Nhơn vừa trao quyền và vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã CK: NVL) cho ông Bùi Xuân Huy. Theo đó, ông Huy sẽ đảm nhiệm vai trò mới kể từ ngày 20/1/2022.

trước khi đảm nhận vị trí mới, ông Huy giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại Novaland, đồng thời cũng là Thành viên HĐQT doanh nghiệp.  Ông Huy gia nhập Novaland từ năm 2012 với vị trí Phó Tổng giám đốc, đến tháng 9/2017, ông được bổ nhiệm lên làm Tổng Giám đốc và gia nhập HĐQT công ty.

Sau khi ông Huy rời ghế Tổng Giám đốc để đảm nhiệm cương vị mới, ông Nguyễn Ngọc Huyên là người thay thế.

Cũng trong ngày 20/1, HĐQT Novaland đã bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Huyên làm Tổng giám đốc, bà Dương Thị Thu Thủy và bà Võ Thị Cao Ly vào các vị trí Phó tổng giám đốc.

DIC Corp đặt mục tiêu doanh thu hơn 1,7 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2025

Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa công bố quyết định về việc thông qua các chỉ tiêu chính của Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2022 – 2025.

Cụ thể, DIC Corp cho biết, giai đoạn 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu cộng thu nhập khá đạt 4.612 tỷ đồng (tăng 62% so với kế hoạch năm 2021). Lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 1.910 tỷ đồng (tăng 59% so với kế hoạch năm 2021). Doanh nghiệp dự chi khoảng gần 12.000 tỷ dành cho kế hoạch đầu tư và phát triển. Tỷ lệ chia cổ tức cũng sẽ từ 20% – 25%. Đồng thời DIC Corp cũng sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ công ty từ 5.700 tỷ lên 8.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2022 – 2025, DIG dự kiến tổng doanh thu đạt 39.700 tỷ đồng (hơn 1,7 tỷ USD). Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến khoàng 15.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển dự kiến khoảng 81.678 tỷ đồng. Cổ tức cũng sẽ chia từ 15 – 20 %/năm. Bên cạnh đó, DIC Corp cũng sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ lên 14.000 tỷ đồng.

Duyệt quy hoạch dự án gần 4.000 tỷ đồng của Newland tại Thừa Thiên Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương tại phường An Đông, TP Huế.

Dự án có diện tích quy hoạch khoảng 86.216 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 3.916 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư Newland làm chủ đầu tư. Khu đất thực hiện dự án có phía đông bắc tiếp giáp đường Văn Tiến Dũng; phía tây bắc giáp đường Võ Nguyên Giáp; phía đông nam tiếp giáp đường quy hoạch có lộ giới 19,5 m và khu đất CX7; phía tây nam tiếp giáp đường quy hoạch có lộ giới 19,5 m và khu CTR10.

Mục tiêu của dự án là xây dựng và vận hành trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng, Cụ thể hoá đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) Khu A – Đô thị mới An Vân Dương.

FLC của ông Trịnh Văn Quyết sắp bán vàng, đá quý?

Theo thông tin từ phía FLC, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý FLC được thành lập với mục đích chuyên kinh doanh vàng, sản xuất đồ kim hoàn. Công ty do FLC sở hữu 100% vốn và có vị trí tại Tháp đôi FLC, 265 Cầu Giấy, Hà Nội.

Doanh nghiệp được thành lập với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Người đại diện phần vốn góp của FLC là bà Đàm Ngọc Bích chính là Chủ tịch Vàng bạc Đá quý FLC.

Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý FLC nằm trong danh sách công ty con của FLC tại các kỳ Báo cáo tài chính.

Theo dự kiến, Showroom đầu tiên của FJC dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong tháng 1/2022. Đồng thời các showroom FJC cũng sẽ xuất hiện trên toàn bộ hệ thống quần thể du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị phức hợp của Tập đoàn FLC tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình …

Được biết, không chỉ định hướng phát triển trong lĩnh vực chế tác, sản xuất, kinh doanh trang sức vàng bạc đá quý, FJC trong tương lai sẽ mở rộng cung cấp các mắt hàng mỹ phẩm, nước hoa, quà tặng,…

Bán chui 74,5 triệu cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, địa chỉ: B30-BT6 Đô thị Mỹ Đình 2, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC (mã Ck : FLC) bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng. Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt vì đã có hành vi vi phạm hành chính là không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết thực hiện bán 74,8 cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Ngoài ra, ông Trịnh Văn Quyết còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Thông tin từ cơ quan quản lý còn cho biết thêm, UBCKNN đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18/1/2022.

Tập đoàn Everland góp vốn cùng Bất động sản Thiên Minh làm dự án 107ha tại An Giang

CTCP Tập đoàn Everland (mã CK: EVG) đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Everland An Giang với vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Everland là 550 tỷ đồng (tương đương 45,83% vốn điều lệ).

Trước đó, vào đầu tháng 1, Everland đã thông báo phát hành hơn 110 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và trả cổ tức năm 2020. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ doanh nghiệp ước tính sẽ tăng từ 1.050 tỷ đồng thành 2.152,5 tỷ đồng.

105 triệu cổ phiếu còn lại sẽ được công ty phát hành ra công chúng với giá 10.000 đồng/cp, số tiền thu được dự kiến là 1.050 tỷ đồng.

Trong đó, công ty sẽ dùng 85 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn vốn lưu động; 415 tỷ đồng để góp vốn cổ phần tăng vốn điều lệ và nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Xuân Đài Bay (200 tỷ đồng) và tại CTCP Everland Phú Yên (215 tỷ đồng).

Ngoài ra, công ty cũng sẽ dùng 550 tỷ đồng còn lại từ phát hành cổ phiếu để góp vốn hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Bất động sản Thiên Minh để làm Khu đô thị The New City tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Bạn đang đọc bài Tin nóng bất động sản tuần qua: ‘Sốt đất’ mỗi dịp giáp tết Nguyên Đán lại tiếp tục diễn ra? tại chuyên mục Bất động sản.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT