web analytics

Tin nhanh bất động sản hôm nay ngày 24/6: Bà Rịa – Vũng Tàu rà soát xử lý các dự án chậm tiến độ 24/06/2022

(KDTT) – Bà Rịa – Vũng Tàu rà soát xử lý các dự án chậm tiến độ; Tính phương án nào khi chung cư hết hạn sau 50-70 năm?; Hà Nội chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo; Bất động sản Phát Đạt mua thêm một dự án tại TP HCM; Tỉnh Đồng Nai hủy bỏ hơn 45% tổng số dự án có thu hồi đất;…là những thông tin đáng chú ý.

Bà Rịa – Vũng Tàu rà soát xử lý các dự án chậm tiến độ

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản gửi các sở, ngành và UBND huyện Xuyên Mộc về việc xử lý dự án Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm chậm triển khai.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc không đưa, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định pháp luật về đất đai tại dự án nói trên. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phương án xử lý.

Trước đó, tại huyện Xuyên Mộc từng có nhiều dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng bị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định chấm dứt chủ trương đầu tư do chậm triển khai.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quyết định hủy bỏ quyết định số 6569/QĐ-UB ngày 15/7/2003 về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu biệt thự Ngân Hiệp tại xã Phước Thuận.

Tương tự, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã ban hành quyết định hủy bỏ quyết định số 4655/QĐ-UB ngày 21/5/2003 về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu biệt thự và khu du lịch Ngân Sơn tại xã Phước Thuận. Dự án này do Công ty TNHH Thương mại Ngân Sơn làm chủ đầu tư, với diện tích 13,05 ha.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 67 dự án chậm triển khai chưa được xử lý, trong đó có 14 dự án trong khu công nghiệp, 17 dự án nhà ở, khu đô thị, 36 dự án khác ngoài khu công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm triển khai các dự án là do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư không có khả năng triển khai thực hiện dự án…

Theo ông Vinh, việc các dự án chậm tiến độ đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhất là các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu phục vụ an sinh xã hội. Các dự án chậm triển khai còn làm lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư và làm ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ siết chặt quản lý, rà soát xử lý các dự án chậm tiến độ.

Tính phương án nào khi chung cư hết hạn sau 50-70 năm?

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Collieirs Việt Nam (tập đoàn hàng đầu chuyên cung cấp dịch vụ bất động sản và quản lý đầu tư tại Việt Nam) mới đây đã chia sẻ quan điểm cá nhân về câu chuyện sở hữu chung cư có thời hạn 50-70 năm theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây Dựng đề xuất.

Đề xuất của Bộ Xây dựng cho biết, thời hạn sở hữu nhà chung cư có thể được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình (phương án 1), hoặc thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư theo quy định của Luật Đất Đai 2013 (phương án 2).

Ông David Jackson cho rằng, với phương án nào đi chăng nữa thì trên bình diện chung, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng ổn định cho thị trường bất động sản (BĐS) và một phần của định hướng này là xác định rõ các vấn đề về quyền sở hữu và thời hạn sở hữu. Vậy nên, bất cứ sự sửa đổi, bổ sung hay điều chỉnh nào giúp mọi người hiểu rõ họ đang đầu tư vào đâu, tương ứng như thế nào với khả năng của họ, thời hạn bao lâu… đều đáng hoan nghênh.

Chuyên gia Colliers Việt Nam nhấn mạnh: “Áp dụng thời hạn sở hữu căn hộ chung cư còn giúp giải quyết các khó khăn trong công tác quản lý và phát triển đô thị. Cũng như các loại hình nhà ở khác, chất lượng công trình nhà chung cư giảm dần khi càng gần cuối thời hạn sử dụng (được xác định theo tuổi thọ thiết kế và tuổi thực tế), ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của cư dân. Áp dụng thời hạn sở hữu căn hộ chung cư đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội để tái phát triển hoặc chuyển mục đích sử dụng đất khi thời hạn kết thúc, từ đó phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội trong tương lai. Điều này còn giúp tạo cơ hội tiếp cận nhà ở cho các thế hệ tiếp theo, vì đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn và việc sử dụng đất không chỉ nhằm phát triển kinh tế mà còn cải thiện an sinh của con người”.

Ông Jackson cho rằng, luật và chính sách mới, nói chung, có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau và vì thế có thể khiến nhiều người thấy bối rối, bất an. Điều này khá phổ biến ở nhiều nơi chứ không chỉ riêng Việt Nam. Sự quan tâm của công chúng và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua thực chất là cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền diễn giải rõ ràng hơn nữa về vấn đề này và xây dựng lộ trình triển khai hợp lý.

Hà Nội chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Hà Nội vừa chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.

heo đó cầu Trần Hưng Đạo với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lặp lại 6 nhịp, tạo biểu tượng về không gian và thời gian.

Đây là phương án đã đoạt giải Nhất cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021.

Với phương án này, cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.

Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được TP Hà Nội lựa chọn.

Dự kiến công trình được thực hiện trong hơn 3 năm, hoàn thành vào quý II/2025. Tổng mức đầu tư sơ khoảng 8.700 tỷ đồng.

Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A). Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận.

Bất động sản Phát Đạt mua thêm một dự án tại TP HCM

HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) vừa thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông tại CTCP Địa ốc Hòa Bình.

Qua đó, Phát Đạt sẽ sở hữu 89% cổ phần tại doanh nghiệp này và toàn quyền quyết định việc đầu tư, phát triển và kinh doanh dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng (tại số 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM; dự án còn có tên gọi là Khu phức hợp Hòa Bình – Thanh Yến).

Phối cảnh dự án Khu phức hợp Hòa Bình – Thanh Yến.

Theo HĐQT, việc nhận chuyển nhượng lại dự án nói trên nằm trong định hướng đầu tư mở rộng quỹ đất và phát triển dự án của Phát Đạt trong năm 2022.

Từ năm 2021, Phát Đạt tập trung phát triển quỹ đất ở những địa phương có hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông tốt và có nhiều tiềm năng phát triển như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Quốc,…

Trong đó, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương vẫn là những thị trường chính mà Phát Đạt triển khai đầu tư, kinh doanh. Phía doanh nghiệp cũng đang tập trung mở rộng thêm quỹ đất tại TP HCM và các tỉnh lân cận.

Về kế hoạch kinh doanh, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 10.700 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả đạt được trong năm 2021 và lãi sau thuế 2.908 tỷ đồng, tăng trưởng gần 56%. Trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt hơn 625 tỷ đồng doanh thu thuần và 279 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tỉnh Đồng Nai hủy bỏ hơn 45% tổng số dự án có thu hồi đất

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, từ năm 2015 đến đầu năm 2022, ngành chức năng tỉnh đã thông qua danh mục đầu tư hơn 2.200 dự án có thu hồi đất với diện tích hơn 16.000ha.

Tuy nhiên, chỉ có trên 1.200 dự án với diện tích hơn 8.300ha có hiệu lực thực hiện, gần 1.000 dự án bị hủy bỏ.

Trong hơn 1.200 dự án có hiệu lực thực hiện, đến nay mới có trên 600 dự án với diện tích khoảng 1.500ha đã thực hiện xong. Số còn lại đang dang dở, nhiều dự án “giậm chân tại chỗ.”

Hơn 6 năm qua, tại Đồng Nai, số dự án có thu hồi đất bị hủy bỏ chiếm hơn 45%; tập trung ở nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, nông nghiệp, xây dựng.

Nguyên nhân là do dự án đã được phê duyệt nhưng sau 3 năm vẫn chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh cho rằng, các địa phương trên địa bàn đã chủ động rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua danh mục các dự án thu hồi đất; từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trên địa bàn, nhiều dự án có thu hồi đất còn tồn tại hạn chế, thiếu sót. Nhiều dự án không khả thi, phải hủy bỏ.

Để dự án thu hồi đất phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thời gian tới, tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của những địa phương đề nghị danh mục thu hồi đất nhiều nhưng làm chậm. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu ban hành nghị quyết chuyên đề về xử lý các dự án có thu hồi đất chậm thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Tin nhanh bất động sản hôm nay ngày 24/6: Bà Rịa – Vũng Tàu rà soát xử lý các dự án chậm tiến độ tại chuyên mục Bất động sản.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0369.452.904
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT