web analytics

Tìm kiếm lối đi còn “dang dở” cho Đạm Ninh Bình 22/10/2020

(KDTT) – Nổi bật với những ống khói, tháp cao, cùng hệ thống đường ống, băng tải liên kết trong một dây chuyền hiện đại, có công suất 560.000 urê/năm, nhà máy Đạm Ninh Bình (ĐNB) trở thành một trong những dự án trọng điểm của ngành hóa chất cũng như của tỉnh Ninh Bình ngay từ khi khởi công. Trải qua những “cú ngã” trong quá trình phát triển và vận hành, đến nay ĐNB đang nhẫn nại tháo gỡ từng khó khăn, từng bước chuyển đổi không chỉ trong khâu sản xuất,  mà còn ở quy trình quản lý và kinh doanh.

Nhà máy Đạm Ninh Bình (ĐNB) trở thành một trong những dự án trọng điểm của ngành hóa chất cũng như của tỉnh Ninh Bình ngay từ khi khởi công. (Ảnh: ĐNB).

 Khó chồng khó

Dự án ĐNB có quy mô lớn cả về công suất và tổng vốn đầu tư, sử dụng than cám làm nguyên liệu chính, được khởi công xây dựng tháng 5/2008, quy mô diện tích 53 ha. Công nghệ được lựa chọn cho dự án đều là các công nghệ bản quyền châu Âu tiên tiến sản xuất urê đi từ than và đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới ở thời điểm hiện nay như: Công nghệ khí hóa than cám Shell – Hà Lan; tinh chế khí của Linde – Đức; tổng hợp Amoniac của Haldor Topsoe – Đan Mạch; tổng hợp urê của Snamprogetti – Ý; phân ly không khí của Air Liquide – Pháp. Các công nghệ này đều đáp ứng được các chỉ tiêu môi trường và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khác của Dự án.

Mặc dù có công nghệ hiện đại, nhưng hàng hoạt các yếu tố bất lợi chủ quan và khách quan lại khiến cho ĐNB đứng trước những khó khăn lớn. Từ khi đi vào hoạt động công ty vẫn nằm trong trạng thái bị lỗ. Tính đến 31/12/2019, ĐNB đã gánh khoản nợ tới 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế đã lên tới 5.706 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng, âm vốn lưu động 1.920 tỷ đồng.

Mặc dù có công nghệ hiện đại, nhưng hàng hoạt các yếu tố bất lợi chủ quan và khách quan lại khiến cho ĐNB đứng trước những khó khăn lớn. (Ảnh: ĐNB).

Theo Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của ĐNB, hiện công ty không có khả năng trả nợ gốc và lãi phải trả quá hạn đối với các khoản vay liên quan đến đầu tư; đối với khoản vay vốn lưu động cũng khó khăn trong việc bố trí nguồn để trả nợ gốc và lãi. Nhu cầu vốn để trả nợ đến hết năm 2021 là khoảng 6.139.318 triệu đồng, trong trường hợp các khoản vay đầu tư không có cơ sở để khoanh nợ sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Bên cạnh đó, giá than – nguyên liệu chính cho sản xuất tăng giá, hiện nay đã cao hơn 2 lần so với giá than tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Song song với đó, Luật thuế 71 chưa được Quốc Hội sửa đổi kiến cho sản phẩm urê phải chịu thêm chi phí VAT, giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Điều này đang là rào cản lớn đối với hàng hóa trong nước tham gia thị trường quốc tế vào giai đoạn trái vụ.

Khó khăn tiếp theo là lực lượng lao động tiếp tục nghỉ việc. Lũy kế từ năm 2017, tổng số lao động đã nghỉ việc là 246 người, chủ yếu là lao động nam và có trình độ cao, kinh nghiệm tại các vị trí quan trọng trong dây chuyền. Đại diện ĐNB cho biết, việc sử dụng công nghệ châu Âu và G7 giúp chất lượng sản phẩm của ĐNB tốt, song cũng có không ít trở ngại ban đầu. Mặc dù cơ bản đã làm chủ công nghệ, đã có thể vận hành hệ thống phụ tải từ 90-105% thiết kế, song công nghệ khí hóa than Shell là công nghệ đầu tiên có tại một nhà máy hóa chất tại Việt Nam là ĐNB, điều này khá mới mẻ với lực lượng lao động hiện có.

Hơn nữa, ảnh hưởng không tốt từ truyền thông về các thông tin chưa chính xác với thực tế của nhà máy đã gây khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư, cũng như niềm tin của khách hàng với doanh nghiệp. Cùng với đó, uy tín thương hiệu của ĐNB cũng đã sụt giảm ít nhiều.

Có thể nói, khó khăn lớn nhất hiện nay của ĐNB là không có vốn ngắn hạn để tổ chức sản xuất. Hiện tại vốn cho sản xuất kinh doanh được huy động từ khách hàng, nguồn vốn này trước mắt tạm đảm bảo duy trì sản xuất khoảng 70% sản lượng thiết kế. Các nhà phân phối của ĐNB đã ủng hộ công ty theo hình thức thanh toán trước nhận hàng sau. Nguồn tài chính này đã góp phần giúp ĐNB tạm thời ổn định sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường. Nhưng về lâu dài, công ty rất cần có nguồn vốn ngắn hạn tài trợ từ các ngân hàng để có thể chủ động được kế hoạch sản xuất, tăng dần sản lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

“Lửa lò thét ngọn, vàng càng nên trong”

Hiện tại, sản xuất nông nghiệp ở nước ta cần khoảng 2,2 triệu tấn urê mỗi năm, nhưng sản xuất trong nước mới đạt khoảng một triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu. Để chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, khi hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định, ĐNB sẽ cho ra mỗi ngày dòng đạm trắng với sản lượng theo thiết kế 1.760 tấn urê, hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ nói riêng và của cả nước nói chung.

Sản lượng urê của nhà máy sẽ dần đạt 100% công suất thiết kế trong các năm tới, đáp ứng thêm khoảng 25% nhu cầu urê cả nước. Tuy nhiên, để đạt 100% công suất, vẫn còn bộn bề những khó khăn thử thách chờ đợi ĐNB ở phía trước. Công ty sẽ phải tiếp nhận tốt chuyển giao công nghệ, vận hành nhà máy đạt công suất thiết kế bảo đảm ổn định, dài ngày, bảo vệ môi trường và tổ chức kinh doanh hiệu quả. Đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động của công ty đã cam kết phấn đấu, khai thác triệt để những thuận lợi, khắc phục những khó khăn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm nay và các năm tới, đặc biệt là nỗ lực vận hành thương mại thành công, sản xuất ra sản phẩm urê cung cấp cho thị trường.

ĐNB đã từng rơi xuống “vực thẳm”, từng “lao đao” trong những cơn sóng của dư luận, nhưng cho đến giờ, công ty vẫn đang kiên trì tìm kiếm và đưa ra những giải pháp, sáng kiến cải tiến công nghệ, vận hành, thao tác, cũng như quy trình quản lý giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, nâng cao hiệu quả chung của nhà máy. (Ảnh: ĐNB).

Như vậy, rõ ràng mỗi năm, nước ta sẽ tiết kiệm được một số lượng lớn ngoại tệ và chủ động hơn trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu urê cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của biến động thế giới, tạo sự ổn định về giá cả và nguồn cung cấp dài hạn cho ngành nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Khi được hỏi về phương án để tháo các nút thắt trước mắt, đại diện ĐNB cho biết, trước mắt ĐNB sẽ bám sát thực hiện các nội dung, phương án theo Đề án 1468. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đã thực hiện và mang lại hiệu quả thời gian qua như: tiết giảm chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, củng cố máy, thiết bị, ổn định dòng tiền, việc làm, từng bước vượt qua khó khăn. Xây dựng và thực hiện phương thức sản xuất và bán hàng linh hoạt, chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển thương hiệu, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.

Song song đó, đối mặt với những khó khăn hiện tại, ĐNB mong muốn các ngân hàng xem xét bổ sung mức tài trợ vốn lưu động lên từ 300-500 tỷ đồng để công ty chủ động được nguồn vốn mua than và kế hoạch sản xuất, dự trữ sản phẩm tồn kho cho mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, tin tưởng Quốc hội sẽ sớm điều chỉnh thuế suất giá trị gia tăng cho phân bón urê là 5%. Và ĐNB cũng cần được Chính phủ xem xét tiếp tục cho hạch toán mức khấu hao tài sản cố định ít nhất mức 50%.

ĐNB đã từng rơi xuống “vực thẳm”, từng “lao đao” trong những cơn sóng của dư luận, nhưng cho đến giờ, công ty vẫn đang kiên trì tìm kiếm và đưa ra những giải pháp, sáng kiến cải tiến công nghệ, vận hành, thao tác, cũng như quy trình quản lý giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, nâng cao hiệu quả chung của nhà máy.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT