web analytics

Thuỷ sản Việt tụt hạng vì thẻ vàng IUU 27/09/2019

(KDTT) – Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Thấm đòn vì không theo quy chuẩn EU
Thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, có giá trị kim ngạch xuất khẩu luôn đứng trong TOP 5 các ngành kinh tế chủ lực của đất nước (sau điện tử, dệt may, da giày) với kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm qua từ 7 – 8 tỷ USD/năm và tỷ lệ tăng trưởng trung bình đạt 7 – 15%/năm và tạo việc làm cho gần 5 triệu lao động thường xuyên.

Ảnh minh họa.

Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã từng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong 3 năm qua. Các mặt hàng hải sản khai thác biển: cá ngừ, mực-bạch tuộc, cá thu, cua-ghẹ, cá biển các loại…. luôn đạt kim ngạch 350 – 400 triệu USD/năm, tương đương 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy-hải sản của Việt Nam sang EU.

Nguồn: Vasep

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm năm 2019 với 251 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm chủ yếu ở sản phẩm cá ngừ giảm 6,3%, mực, bạch tuộc giảm 13%.
Ảnh hưởng từ thẻ vàng IUU đã làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản Việt Nam và các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn…
Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% containers hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian dài, thậm chí 3-4 tuần/container, và riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/Container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các containers hàng sẽ bị từ chối, trả lại, tổn thất nặng nề. Trường hợp như Philippines, có đến 70% số container bị từ chối trả lại. Tổn thất cho việc xuất khẩu hải sang sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container.
Vasep nhấn mạnh nguy cơ bị thẻ đỏ (bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU) nếu nước bị cảnh báo sau 6 tháng để khắc phục các thiếu sót không có cải thiện theo đánh giá của EU.
Bỏ thị trường EU vì IUU
Đại diện công ty TNHH Hải Vương (Nha Trang, Khánh Hoà) cho biết, trước khi hải sản Việt Nam bị thẻ vàng IUU các lô hàng xuất khẩu sang EU được tự động thông quan, nay thời gian mất 7-10 ngày, do đó chi phí xuất khẩu đội lên, tăng khó khăn cho doanh nghiệp.
Còn ông theo Ngô Viết Hoài, Phó Tổng giám đốc CTCP Chế biến XNK Thuỷ sản Baseafood (Bà Rịa – Vũng Tàu), 100% sản phẩm chế biến của công ty từ đánh bắt, không phải từ nuôi trồng. Do đó, khi bị thẻ vàng IUU chi phí xuất khẩu “đè” lên một lô hàng rất lớn, nếu như không bị phạt thẻ vàng, chắc chắn hoạt động xuất khẩu vào châu Âu sẽ tăng trưởng rất nhiều. Công ty có một số mặt hàng hải sản nhỏ xuất khẩu vào EU nhưng không có cách nào để làm được Giấy chứng nhận đánh bắt, không biết giải bài toán bằng cách nào.
Bên cạnh đó, thị trường Tây Ban Nha không cho phép nhập hàng của những tàu cá khai thác trên biển quá 20 ngày nên cũng là một rào cản cho thuỷ sản Việt sang EU.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP Thuỷ sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, từ khi bị thẻ vàng IUU công ty bị tác động nặng nề và thấm thía khi 70-80% đơn hàng xuất khẩu đều qua châu Âu, và thời gian thông quan tăng lên 10 – 20 ngày khiến bạn hàng nhập khẩu lo lắng vì nhận hàng trễ…
“Từ 2 năm nay chúng tôi đã tự giảm thị trường châu Âu, chỉ còn chiếm 40%. Trước đây, giá trị xuất khẩu sang châu Âu lên tới 40 triệu USD, nay giảm còn 20-30 triệu USD. Phát sinh chi phí tăng thêm ít nhất 15-20%, thậm chí nhiều lô hàng bị lỗ”, bà Lan nói.
Về phía công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam (Nha Trang, Khánh Hoà), đại diện công ty này cho biết từ khi thuỷ sản Việt Nam bị áp thẻ vàng IUU, công ty không còn xuất khẩu sang Châu Âu. “Trăn trở của chúng tôi là làm sao gỡ bỏ thẻ vàng IUU và sửa Luật Thuỷ sản để không còn bất cập”, vị này cho biết.
Thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định)
Ngày 23/10/2017, EU chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Trước đó, từ ngày 15-19/5/2017, Đoàn Công tác của Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban châu Âu (EC) đã đến Việt Nam để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định của EU về IUU. Kết thúc đợt đánh giá, Đoàn DG-MARE đã đưa ra 5 khuyến nghị để Việt Nam cần giải quyết trước ngày 30/9/2017, nếu không Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị nhận thẻ vàng của EU.
Nhận thức rõ ảnh hưởng của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản Việt Nam sang thị trường EU và uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, xác định sự cần thiêt phải tiến tới phát triển bền vững ngành hải sản, ngày 25/9/2017, Ủy ban Hải sản VASEP (VMPC) và các doanh nghiệp chế biến-xuất khẩu hải sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp Hải sản Cam kết Chống Khai thác IUU”. Hội nghị đã ra mắt Ban Điều hành IUU, tuyên bố cam kết chống khai thác IUU của 62 doanh nghiệp và thông qua kế hoạch hành động của chương trình.

Theo Bizlive