web analytics

Thủy sản đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới 19/02/2021

(KDTT) – Tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới. Mục tiêu đặt ra trong tờ trình Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) gửi Thủ tướng theo các chuyên gia là hoàn toàn khả thi nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt và tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có.

Tăng trưởng 3 – 4%/năm

Bộ NN – PTNT cho biết, ngành thủy sản đạt được nhiều kết quả tích cực sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020. Giai đoạn 2010 – 2019, cơ cấu GDP ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp tăng từ 17,8% lên 24,4%. Sản lượng thủy sản tăng từ 5,1 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD, tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Ngành cũng giải quyết việc làm cho khoảng 3,9 triệu lao động, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Thu nhập của lao động thủy sản không ngừng được cải thiện.

Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu hàng đầu thế giới                                                        Nguồn: ITN

Tuy vậy, ngành thủy sản vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập và phát triển chưa thực sự bền vững, hiệu quả. Sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa thủy sản của nước ta trên thị trường khu vực, quốc tế chưa cao bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ và cơ cấu ngành chưa hợp lý. Bên cạnh đó, hạ tầng cũng là điểm yếu khi vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, vốn đầu tư còn nhiều khó khăn dẫn đến chất lượng và giá trị gia tăng của ngành còn thấp.

Bộ NN – PTNT cho rằng nguyên nhân do yếu tố chủ quan, thể hiện qua các quan hệ sản xuất còn rời rạc, thiếu sự gắn kết trong tư duy sản xuất hàng hóa lớn, đặc biệt thiếu sự gắn kết theo chuỗi giá trị thủy sản trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, vốn ngân sách bố trí chưa đủ.

Ngành thủy sản chuẩn bị vào giai đoạn phát triển mới trên những thành tựu nổi bật đã đạt được, cùng với đó là những thách thức trong bối cảnh mới. “Việc ban hành Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 rất cần thiết trong lúc này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Chiến lược do Bộ NN – PTNT xây dựng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 – 4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD. Phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước… Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Phải thật tập trung 

“Đây là mục tiêu khả thi”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam nhận định. Cũng theo ông, con số này thấp hơn mục tiêu ban đầu là 18 – 20 tỷ USDchứng tỏ Bộ NN – PTNT đã rất cân nhắc. Nhìn lại 3 thập niên trước, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã trải qua thời kỳ tăng trưởng rất ngoạn mục, nhưng càng ngày tốc độ tăng trưởng càng giảm dần và độ trồi sụt ngày càng tăng. Điều đó cho thấy trong thập niên 2011 – 2020, sản xuất và xuất khẩu thủy sản đã dần mất vị thế. Nếu không thay đổi mà vẫn cố duy trì tốc độ tăng trưởng của giai đoạn qua thì năm 2030 cùng lắm chỉ đạt được kim ngạch xuất khẩu 12 tỷ USD. Nói cách khác, mục tiêu 14 – 16 tỷ USD đòi hỏi những nỗ lực thay đổi nhất định và đã có sẵn những nhân tố đột phá để trở nên khả thi.

Năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 0,8%. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt khoảng 1,3 triệu hecta (bằng 100% so với cùng kỳ 2019) và khoảng 10 triệu mét khối lồng. Sản lượng nuôi đạt 4,56 triệu tấn (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 950.000 tấn, cá tra đạt 1,56 triệu tấn.

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng, trọng tâm đột phá trong 10 năm tới phải là phát triển nuôi biển công nghiệp theo hướng bền vững. Đây là dư địa lớn nhất còn lại của thủy sản và nếu có chính sách đầu tư để tạo được “đột phá” thì xuất khẩu thủy sản năm 2030 có thể vượt xa con số 14 – 16 tỷ USD.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho rằng có 6 cơ sở để Bộ NN – PTNT đặt mục tiêu này. Những năm gần đây, nhiều địa phương bắt đầu chế biến sâu mặt hàng thủy sản dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cũng lớn hơn, giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, diện tích trồng lúa 3 vụ giảm đi, nhiều diện tích nuôi thủy sản, chuyên canh thủy sản tăng lên báo hiệu sản lượng thủy sản sẽ được nâng lên. Thời gian qua, một số mặt hàng chúng ta chưa xuất khẩu được nhiều, đặc biệt là sang châu Âu do “thẻ vàng” thủy sản, điểm nghẽn này đang được tháo gỡ quyết liệt. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, đây sẽ là “cao tốc” để hàng hóa sang các thị trường lớn. Đầu tư của các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài vào sản xuất, chế biến thủy hải sản tăng lên đáng kể theo thời gian. Cuối cùng, chính là kinh nghiệm của ngư dân trong sản xuất chế biến sạch bảo đảm an toàn vệ sinh đã tích lũy từ lâu và sẽ phát huy tác dụng.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, để chắc chắn đạt được mục tiêu, không có cách nào khác là phải đầu tư công nghệ mới, công nghệ nông sản… Cần chú ý tới nhu cầu mới của thị trường về quy tắc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, hàng rào thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, cần lưu ý thúc đẩy phát triển thương hiệu vì từ trước đến nay chúng ta nói nhiều về thương hiệu nhưng chưa làm được bao nhiêu. “Thủy sản muốn đi đến đích thì cần sự tập trung và phải làm liên tục”, ông Thắng nhấn mạnh.

HẠNH NHUNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: https://daibieunhandan.vn/thuy-san-dat-muc-tieu-dan-dau-the-gioi-njwjqhfock-53742