web analytics

Thực trạng và giải pháp trong hoạt động sửa chữa, duy tu đường cao tốc 28/07/2021

(KDTT) – LTS: Cùng với các ngành khác, ngành GTVT đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư phát triển hạ tầng GTVT, với vốn đầu tư hàng năm vào khoảng 5% GDP nói riêng và khoảng 4 – 5% GDP vào cơ sở hạ tầng nói chung.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thay đổi mô hình tăng trưởng, nhưng khi vốn đầu tư từ ngân sách lại hạn chế, thì việc nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước nói chung và hiệu quả của các dự án hạ tầng kỹ thuật nói riêng trở thành vấn đề hết sức quan trọng. Nâng cao hiệu quả của các dự án đường cao tốc chính là một trong các hoạt động theo hướng đó.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian gần đây, phát hiện một vài chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan thi công các công trình giao thông đã không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế dự án đã được phê duyệt. Đặc biệt, có dự án hoàn thành không đảm bảo chất lượng nên khi vận hành khai thác xảy ra tình trạng ổ gà, hằn lún vệt bánh xe, rạn nứt, mặt đường không bằng phẳng ở nhiều vị trí trên toàn tuyến, gây thất thu ngân sách nhà nước, lãng phí tài sản công, ảnh hưởng tính mạng người tham gia giao thông và đời sống cộng đồng dân cư xung quanh.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thực trạng này, Tòa soạn thực hiện Chuyên đề “Hoạt động sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đường cao tốc – Thực trạng và giải pháp”.

Dấu hiệu sai phạm trong thi công sửa chữa một số vị trí đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Trong quá trình khảo sát thực tiễn để phục vụ minh chứng cho Chuyên đề, Kinh doanh & Phát triển đã nhận được những phản ánh về việc Công ty CP dịch vụ đường cao tốc Việt Nam VECS thi công sửa chữa mặt đường hỏng, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, nhưng đã để xảy ra nhiều sai sót nghiêm trọng.

Quyết định về việc phê duyệt phương án và dự toán sửa chữa hư hỏng mặt đường ngày 28/12/2020

 

Qua nghiên cứu, phân tích thực trạng, cho thấy, Công ty CP dịch vụ đường cao tốc Việt Nam VECS được giao thi công, nhưng khi triển khai sửa chữa lại không như thiết kế đã phê duyệt, thi công trong điều kiện thời tiết không đảm bảo, xuất hiện hiện tượng cắt xén vật tư, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, giám sát, có nguy cơ gây thiệt hại tài sản của nhà nước cũng như an toàn tính mạng người tham gia giao thông.

Trước đó, ngày 28/12/2020 và ngày 14/4/2021, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quyết định về việc phê duyệt phương án và dự toán sửa chữa hư hỏng mặt đường tại một số vị trí trên tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Trong Quyết định nêu rõ, cào bóc lớp bê tông nhựa mịn 5cm, cào tạo nhám lớp bê tông nhựa hạt trung. Thi công hoàn trả mặt đường mới, tưới nhựa dính bám 0.5kg/m2, rải bê tông nhựa mịn C12.5 dày 5cm, và nhiều nội dung khác. Tổng dự toán cho công tác sửa chữa là 412.362.747 đồng.

Tương tự, tại Quyết định ngày 14/4/2021 với tổng dự toán 485.653.339 đồng, nguồn vốn từ hạng mục sửa chữa đột xuất công tác quản lý khai thác tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai năm 2021. Trong cả hai Quyết định đều nêu rõ các phương án sửa chữa, tiêu chuẩn kỹ thuật, và giao Giám đốc VECS chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, quản lý, sử dụng chi phí và thực hiện bảo hành công trình theo quy định.

Phóng viên ghi nhận thực tế độ dày bê tông sau khi hoàn trả chỉ có 2,5cm – 5cm

 

Tuy nhiên, khi phóng viên nghiên cứu đánh giá, tìm hiểu hoạt động thực hiện việc sửa chữa, có thể dễ dàng nhận thấy những “dấu hiệu” sai phạm. Cụ thể, việc cào bóc lớp bê tông nhựa được thực hiện một cách qua loa, với độ sâu chỉ 2,5cm đến 3,0cm, chưa đảm bảo độ sâu cào bóc.

Đặc biệt công tác sửa chữa “tiến hành sửa chữa dưới trời mưa”, điều này dẫn đến việc tưới nhựa dính bám với định lượng 0,5kg/m2 giảm tác dụng kết dính với bê tông nhựa được hoàn trả, ảnh hưởng đến chất lượng sau khi sửa chữa. Việc hoàn trả lượng bê tông nhựa có hiện tượng không đúng với các tiêu chuẩn ghi rõ trong các Quyết định, độ dày thực tế sau hoàn trả chỉ đạt khoảng 2,5cm đến 3,0 cm, có hiện tượng hụt 2,5 đến 2cm so với phê duyệt độ dày phải đủ 5cm sau khi hoàn trả mặt đường.

Công tác sửa chữa trải nhựa bê tông tiến hành trong điều kiện thời tiết có mưa

Liên quan về vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cầu đường cho rằng: những biểu hiện thi công có dấu hiệu làm ẩu như vậy sẽ dễ dẫn đến các hệ lụy như: Bong tróc và bong bật mặt đường, cốt liệu dễ bị mài mòn, tạo ra ổ gà, lượn sóng, nứt dăm, nứt đơn dọc, nứt xô trượt, nứt da cá sấu, lún vệt do mài mòn vật liệu bê tông nhựa mặt đường… Nếu đơn vị này vẫn tiến hành sửa chữa hoàn trả mặt đường, thì hệ lụy sau này có thể xảy ra là mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Liệu rằng trong công tác sửa chữa đoạn đường hư hỏng trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, VECS có buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để xảy ra những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về các yếu tố kỹ thuật cơ bản trong thi công sửa chữa đường hỏng, vì thế có thể dẫn đến làm sai, làm ẩu, cắt xén nguyên vật liệu?

NHÓM PV

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng và giải pháp trong hoạt động sửa chữa, duy tu đường cao tốc
tại chuyên mục Chất lượng cuộc sống
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT