web analytics

Thúc đẩy đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 15/12/2021

(KDTT) – Chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021” trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021 lần thứ 7 vừa được tổ chức tại Hà Nội và trực tuyến với các điểm cầu trong nước, quốc tế. 

Sự kiện được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, các địa phương và quốc tế; là sự kiện tâm điểm nằm trong chuỗi hoạt động được tổ chức từ tháng 9 đến 12/2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự đồng hành chiến lược của Tập đoàn Vingroup.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ Hà Nội, TECHFEST 2021 cũng kết nối trực tuyến với Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh 2021 (WHISE 2021) và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng-SURF 2021 tạo thành Ngày hội chung trên toàn quốc, thể hiện tinh thần thống nhất xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo (ĐMST), những khó khăn, thách thức từ thực tế cần giải quyết bằng ĐMST. Đây cũng là yêu cầu khách quan của phát triển, giai đoạn nào cũng cần sáng tạo để khẳng định và vươn lên.

Thủ tướng cho rằng, ĐMST phải bám sát chủ trương của Đảng đã đề ra, góp phần làm cho mọi người dân ấm no hạnh phúc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam. Theo Thủ tướng, giai đoạn hiện nay cần sáng tạo trong chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế.

“Đất nước phát triển nhanh và bền vững phải dựa vào khoa học công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số. Trước hết trong lĩnh vực y tế cần sáng tạo để Việt Nam có thể chủ động kỹ thuật, điều chế thuốc điều trị và vắc xin. “Nếu cái gì cũng đi mua thì còn gọi gì là ĐMST”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Dấu ấn tự hào

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST) tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy. Cụ thể, đã có hơn 1,3 tỷ USD được ghi nhận đầu tư cho các DNKNST Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay. Sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Cụ thể, hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung, 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh…

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: HM/baotintuc.vn)

Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động KNST. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính giúp DNKNST mở rộng thị trường; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành, như: Vingroup, Nexttech, FPT, CMC…

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, một trong những điểm nổi bật của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam là đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. “Chúng ta đã thiết lập được Mạng lưới hỗ trợ và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ ĐMST và thương mại hóa công nghệ. Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái KNST quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái KNST khác trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng cho biết.

Cũng tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nhận nhấn mạnh về việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, một mặt, KH&CN và ĐMST cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch, mặt khác ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường “bình thường mới”. Trong nguy có cơ, chính bối cảnh đại dịch cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Các chuyên gia cùng nhau trao đổi, chia sẻ những góc nhìn về sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của đất nước.

Hành trình tăng tốc

Theo đánh giá của Bộ KH&CN, nhiều thành tựu đã đạt được, nhiều khó khăn đã vượt qua, Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã đi được chặng đường 5 năm từ khi Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái KNST quốc gia được ban hành. Đây là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về ĐMST.

Hành trình tiếp theo của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Bộ KH&CN sẽ tham mưu Chính phủ để có những giải pháp thúc đẩy ĐMST mở, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn đặt đầu bài cho DNKNST thông qua mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, cùng toàn bộ chuyên gia trí thức trong và ngoài nước với hạt nhân kết nối là hệ thống trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trong nước và trên thế giới.

Bộ KH&CN đề xuất 4 giải pháp cần thực hiện thời gian tới. Cụ thể, Hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các DNKNST cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ; tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái KNST quốc gia; mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các start-up, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm ĐMST và chung tay phát triển nền tảng ĐMST mở quốc gia.

Cùng sự nỗ lực của Chính phủ, vai trò dẫn dắt, đồng hành của Bộ KH&CN, sự tham gia của cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang tiến những bước vững chắc trên bản đồ thế giới, nỗ lực ĐMST để kiến tạo tương lai Việt Nam thịnh vượng.

Với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, TECHFEST Việt Nam đã trở thành nền tảng kết nối uy tín, sân chơi tầm cỡ quốc tế, kêu gọi nhiều thành phần khác nhau cùng tham gia với cơ chế cộng đồng đánh giá hiệu quả hoạt động.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số ĐMST toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái TP Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191 Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 88 thương vụ đầu tư với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ USD và nhiều lĩnh vực công nghệ tạo dấu ấn lớn như công nghệ giáo dục, công nghệ y tế. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DNKNST. Trong đó, có 3 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD (VNG, VNPAY, MOMO) và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Đây cũng là một năm thành công của các startups trong lĩnh vực Fintech, Thương mại điện tử , Food & Beverage, Games và Blockchain.

Cả nước hiện có 208 quỹ đầu tư đang hoạt động, 108 tổ chức đầu tư kinh doanh, cơ sở ươm tạo, 138 trường đại học, cao đẳng có tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trên 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.

Hoài Thương

Bạn đang đọc bài Thúc đẩy đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
tại chuyên mục Văn hóa – Giải trí.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT